Đắk Nông ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận gần 2.072 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Nông, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 2.072 trường hợp mắc SXH tại 71/71 xã, phường, thị trấn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng gần 9 lần; số xã có ca mắc tăng 21 xã.
Theo đó, 4 địa phương có số ca mắc tăng cao và chiếm đến 76,7% số ca mắc của tỉnh là: Đắk Mil, Cư Jút, Gia Nghĩa và Krông Nô. Tính đến ngày 23/10, toàn tỉnh ghi nhận 89 ổ dịch, trong đó có 7 ổ dịch đang hoạt động, 82 ổ dịch kết thúc
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi đang điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; trong đó có nhiều ca diễn biến khá nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Nhiều gia đình có từ 2 - 3 người cùng nhập viện.
Có thời điểm, Khoa Truyền nhiễm phải bố trí thêm giường ngoài hành lang do nhu cầu nhập viện cao bất thường của người dân. Đến nay, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo Sở Y tế Đắk Nông, hiện số ca mắc sốt xuất huyết tại nhiều địa phương trong tỉnh đang vượt ngưỡng cảnh báo và đang có nguy cơ xảy ra dịch lớn. Nguyên nhân được xác định do thời gian vừa qua nắng, mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh loăng quăng, muỗi truyền nhiễm làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Kết quả điều tra, giám sát tại các huyện, thành phố trên địa bàn cũng cho thấy chỉ số Breteau (BI - chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) vượt rất cao so với ngưỡng quy định của Bộ Y tế.
Ngành Y tế đề nghị, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tập trung công tác giám sát và xử lý kịp thời các ổ bệnh; tham mưu chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại tất cả các địa bàn ghi nhận ca bệnh.
Liên quan đến tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....
Đặc biệt, khi phát hiện sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Do thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.