Đại gia Nam Định: Người thu nhập vài tỷ, kẻ “từ thiện nhiều hơn lương”
Trong số các đại gia Nam Định “giàu có” trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Hồ Xuân Năng và ông Trần Tuấn Dương có mức thu nhập lên tới trên 3 tỷ đồng/năm. Ngược lại, vị đại gia “từ thiện còn nhiều hơn lương” là Chủ tịch của MWG Nguyễn Đức Tài, mỗi tháng chỉ nhận lương vài nghìn USD.
Ba đại gia Nam Định nức tiếng giàu "nứt đố đổ vách" có mặt trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt với số tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng là ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone (VCS), ông Nguyễn Đức Tài và ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Đại gia Nam Định: Người thu nhập vài tỷ, kẻ "từ thiện nhiều hơn lương"
Theo báo cáo tài chính kiểm toán của Vicostone công bố gần đây, đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng có thu nhập 3,5 tỷ đồng năm 2020, tăng gần 400 triệu đồng so với năm 2019.
Thu nhập bình quân hàng tháng của vị đai gia này tại Vicostone xấp xỉ 292 triệu đồng/tháng, trong khi năm 2019 chỉ 258 triệu đồng.
Ba đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài, Trần Tuấn Dương và Hồ Xuân Năng. (Ảnh: LT)
Tương tự, báo cáo kiểm toán năm 2020 của Tập đoàn Hòa Phát cho thấy, doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của tập đoàn lập đỉnh lịch sử, lần lượt đạt 91.279 tỷ đồng và 13.506 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 78% so với năm 2019.
Mặc dù vậy, thù lao thành viên Hội đồng quản trị và lương thưởng của Ban Giám đốc đều giảm so với năm 2019.
Cụ thể, tổng thù lao của thành viên HĐQT năm 2020 ghi nhận trên báo cáo kiểm toán là 25,24 tỷ đồng, giảm hơn 2 tỷ so với năm trước, trong khi đó lương thưởng của Ban Giám đốc là 2,32 tỷ đồng, giảm 220 triệu đồng so với năm 2019.
Hội đồng quản trị của Hòa Phát có 9 thành viên bao gồm Chủ tịch Trần Đình Long, 3 Phó Chủ tịch HĐQT là ông Trần Tuấn Dương, ông Doãn Gia Cường, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, 5 thành viên là ông Hoàng Quang Việt, ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Tạ Tuấn Quang, ông Nguyễn Việt Thắng và ông Hans Christian Jacobsen, Tổng giám đốc của Bank Invest đại diện cho quỹ PENM.
Như vậy mức thù lao của các thành viên HĐQT Hòa Phát năm 2020, theo số liệu của báo cáo kiểm toán là 2,8 tỷ đồng/người/năm.
Ban Tổng giám đốc gồm có 3 thành viên bao gồm cả ông Trần Tuấn Dương.
Bình quân lương thưởng của Ban Tổng giám đốc là 773 triệu đồng/người/năm, tương đương 64,4 triệu đồng/tháng.
Do ông Trần Tuấn Dương kiêm nhiệm, nên tổng thu nhập của ông Dương trên 3 tỷ đồng/năm.
Ông Trần Tuấn Dương cũng là một đại gia có nguồn gốc Nam Định, vốn được biết đến như "cánh tay phải", đồng hành cùng tỷ phú Trần Đình Long trong quá trình phát triển Hòa Phát thành một thế lực lớn trong lĩnh vực thép ở Việt Nam.
Trong 3 đại gia "giàu có", ông Nguyễn Đức Tài là vị đại gia Nam Định nhận lương thấp nhất khi ngồi "ghế nóng" tại Thế giới Di động (MWG).
Trong năm 2020, hai thành viên HĐQT không điều hành đã được trả 2,14 tỷ đồng tiền thù lao, tức mỗi người nhận được 1,07 tỷ đồng/năm (gần 89 triệu đồng/tháng).
Sang năm 2021, số thành viên không điều hành của MWG đã tăng lên 4 người bao gồm ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG.
Với tổng thù lao đề xuất là 2,35 tỷ đồng, mỗi thành viên không điều hành sẽ nhận được 587 triệu đồng/năm, tức đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài sẽ nhận khoảng 49 triệu đồng/tháng trong năm nay.
Số tiền ông đi từ thiện còn nhiều hơn mức lương thưởng vài nghìn USD mỗi tháng – theo tiết lộ của vị đại gia Nam Định này.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra trong tháng 5 vừa qua, vị Chủ tịch HĐQT MWG cũng trải lòng với cổ đông, điều tuyệt vời nhất là làm được công việc mà mình yêu thích và được trả tiền. Lúc đầu sẽ làm vì tiền, sau đó là làm vì tiền và vì niềm vui. Đến một lúc nào đó, khi bước qua giai đoạn này thì bạn chỉ đi làm vì niềm vui, đó cũng là lúc bạn có động lực lớn nhất. "Mơ ước của tôi là trong 5 - 7 năm tới sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt Nam", người đứng đầu MWG nói.
"Dễ dàng" kiếm nghìn tỷ nhờ cổ phiếu tăng mạnh
Dù mức lương chỉ vài chục triệu đồng/tháng hay lên tới vài tỷ 1 năm, 3 đại gia Nam Định kể trên về cơ bản "đi làm không phải vì lương" nếu nhìn vào giá trị tài sản từ số cổ phiếu các vị đại gia này đang nắm giữ.
Đơn cử như tại Hòa Phát, ông Trần Tuấn Dương đang nắm giữ khoảng 76 triệu cổ phiếu HPG, với giá trị hơn 4.100 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu của ông Dương tăng 58% (trước điều chỉnh), tương đương hơn 1.100 tỷ đồng.
So độ "giàu có" của 3 đại gia Nam Định. (Ảnh: LT)
Tại ĐHĐCĐ của MWG vừa qua, đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài cho biết, ông đang sở hữu tổng cộng hơn 15% cổ phần tại công ty (cá nhân, người thân và công ty của ông Tài).
Tính đến thời điểm hiện tại, khối tài sản trên sàn chứng khoán của vị đại gia Nam Định này khoảng 8.800 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm nhờ việc trực tiếp sở hữu trên 12 triệu cổ phiếu MWG và gián tiếp sở hữu 51,5 triệu cổ phiếu MWG thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ.
Đứng vị trí 11 trong bảng xếp hạng người giàu chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch Vicostone đang sở hữu khối tài sản chứng khoán lên tới 13.000 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VCS vượt trên 100.000 đồng/cp.
Cuối năm ngoái, tại thời điểm "giàu có" nhất, "túi tiền riêng" của vị đại gia Nam Định này chỉ có giá trị xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Như vậy, chưa đầy nửa năm, đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng đã bỏ túi 3.000 tỷ đồng.
Đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 hiện đang là Chủ tịch của Vicostone. Đây cũng chính là doanh nghiệp đưa tên tuổi ông Hồ Xuân Năng trở thành người giàu trên thị trường chứng khoán với khối tài sản nghìn tỷ.
Hơn nữa, từ vị thế làm thuê, làm công ăn lương, đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Vị đại gia này được xem là một trong những doanh nhân có tốc độ giàu nhanh hàng đầu trên TTCK Việt Nam.
Có thời điểm, đại gia Hồ Xuân Năng có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá ước khoảng 17.800 tỷ đồng. Với 13.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại, con đường trở về thời kỳ hoàng kim của vị đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng đang được rút ngắn từng ngày?