Cường kinh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị cường kinh

25-02-2023 11:35:54

Trong các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, cường kinh là tình trạng thường gặp ở phụ nữ. Hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, có khi nó là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Có những kỳ kinh nguyệt, phụ nữ cảm thấy lượng máu ra nhiều hơn bình thường. Họ lo lắng không biết đây chỉ là trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể hay là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường của sức khỏe.

Hiện tượng này thường được gọi là cường kinh. Cũng giống như rong kinh, thống kinh, kinh thưa, bế kinh… thì cường kinh cũng là một dạng của chứng rối loạn kinh nguyệt.

1. Cường kinh là gì?

Khái niệm cường kinh thường bị nhiều người nhầm lẫn với khái niệm rong kinh, vì thực tế trong những đợt bị cường kinh cũng hay có xuất hiện kèm với rong kinh, khiến lượng máu mất đi vừa nhiều lại vừa kéo dài. Cường kinh hay gặp ở phụ nữ trẻ (kinh nguyệt chưa kèm rụng trứng) và phụ nữ tiền mãn kinh.

Cường kinh là tình trạng lượng máu ra nhiều bất thường, thậm chí ra ồ ạt, liên tục trong suốt những ngày hành kinh, dễ khiến cơ thể mất máu, thiếu máu, cơ thể mệt mỏi.

Cường kinh có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân gây ra. Nhưng đừng chủ quan trước bất kỳ rối loạn nào của kinh nguyệt nói riêng và sức khỏe sinh sản nói chung.

2. Dấu hiệu nhận biết cường kinh và phân biệt cường kinh với rong kinh

Nhiều phụ nữ khi thấy kỳ kinh có máu ra nhiều bất thường sẽ tìm kiếm thông tin để tìm hiểu. Khi đọc về dấu hiệu nhận biết, họ lại hay bị nhầm lẫn giữa cường kinh và rong kinh. Cường kinh có những triệu chứng dễ nhận thấy như sau:

  • Trong thời gian hành kinh, lượng máu ra rất nhiều một cách bất thường (so với những lần hành kinh bình thường trước đó). Nếu có thể đo (bằng cốc nguyệt san) thì lượng máu kinh có thể vượt qua 200ml (trong khi bình thường cơ thể chỉ mất khoảng 50-80ml mỗi chu kỳ).
  • Máu ra nhiều và liên tục đến nỗi phụ nữ phải thay băng vệ sinh theo giờ, nếu dùng cốc nguyệt san có thể bị tràn vì không tính toán được thời gian chính xác cần đổ.
  • Máu có nhiều cục đông, kèm theo những cơn đau bụng kinh có thể từ âm ỉ đến dữ dội, cơ thể mệt mỏi xanh xao, buồn nôn, chóng mặt…
  • Cường kinh cũng có thể kèm theo rong kinh nếu tình trạng hành kinh vừa ra nhiều vừa kéo dài quá 7 ngày.

Cường kinh được phân biệt so với rong kinh như sau:

  • Cường kinh là tình trạng gia tăng lượng máu trong suốt những ngày hành kinh.
  • Rong kinh là tình trạng số ngày hành kinh bị tăng lên nhiều hơn 7 ngày. Rong kinh có thể xuất hiện trước hoặc sau kỳ kinh dự đoán. Lượng máu trong những ngày hành kinh ở mức bình thường.
  • Nếu xảy ra cả 2 triệu chứng trên thì là vừa cường kinh vừa rong kinh, là một mức độ rối loạn nặng hơn.

3. Nguyên nhân gây ra cường kinh ở phụ nữ

Cường kinh nếu chỉ xảy ra trong 1-2 chu kỳ rồi kết thúc, kinh nguyệt trở lại bình thường thì không quá đáng lo.

Tuy nhiên, trong bất cứ kỳ kinh nào có xuất hiện cường kinh, phụ nữ cũng không được chủ quan, cần phải theo dõi sự thay đổi của cơ thể trong suốt chu kỳ để nhận biết các dấu hiệu kèm theo xem mức độ nặng nhẹ đến đâu và có phương án can thiệp kịp thời.
Cường kinh nếu xuất hiện liên tục trong nhiều chu kỳ liên tiếp thì rất đáng lo ngại, đó hoàn toàn có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý nguy hiểm. Các chị em phụ nữ có thể tham khảo một số bệnh liên quan phổ biến được liệt kê dưới đây. Tuy nhiên, để chẩn đoán và xác định chính xác nhất, phụ nữ cần thăm khám tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín.

  • Mất cân bằng nội tiết tố: Hormone bị dao động dễ dẫn đến hệ quả kinh nguyệt rối loạn, trong đó có cường kinh.
  • U xơ tử cung: Thường là u lành tính, nhưng nếu khối u phát triển lớn sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe.
  • Bệnh viêm tiểu khung: Là bệnh nhiễm khuẩn trong tiểu khung với một hoặc nhiều cơ quan như cổ tử cung, tử cung, vòi trứng…
  • Lupus ban đỏ: Là loại bệnh tự miễn dịch, thường đi kèm với các triệu chứng liên quan đến máu, da, thận, khớp.
  • Polyp cổ tử cung: Là những khối u nhỏ mọc lên từ bề mặt niêm mạc cổ tử cung. Cường kinh hay rối loạn kinh nguyệt là một trong những biểu hiện của bệnh này.
  • Polyp phát triển từ nội mạc tử cung: Là dạng polyp không ác tính nhưng vẫn có nhiều triệu chứng bất thường, trong đó có rối loạn kinh nguyệt.
  • Ung thư cổ tử cung: Do virus HPV gây ra, các tế bào ung thư phát triển và lây lan mất kiểm soát, cơ thể xảy ra vô số triệu chứng, trong đó có cường kinh.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Khá phổ biến, các tế bào ung thư làm tổn thương đến tử cung và các cơ quan xung quanh, khiến kinh nguyệt rối loạn thất thường, đặc biệt là ra qua nhiều.

4. Các phương pháp điều trị cường kinh hiệu quả

Sau khi thăm khám và thực hiện các biện pháp chẩn đoán, tùy theo từng mức độ mắc cường kinh và rối loạn kinh nguyệt mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị nội khoa hay ngoại khoa. Trong đó, nội khoa vẫn là giải pháp phổ biến nhất được áp dụng.

4.1. Điều trị cường kinh theo nội khoa

Nội khoa điều trị cường kinh được áp dụng cho những trường hợp người bệnh bị cường kinh do mất cân bằng hormone hoặc do các nguyên nhân không đặc biệt nguy hiểm, có thể kể đến như:

  • Thuốc cầm máu (axit tranexamic và desmopressin): Điều trị cường kinh cho những trường hợp bị rối loạn đông máu.
  • Thuốc kháng sinh: Thường dành cho những trường hợp bị cường kinh do viêm nhiễm, ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng.
  • Dùng thuốc tránh thai kết hợp đặt vòng: Giúp kiểm soát và điều hòa lại chu kỳ kinh nguyệt, giảm lượng chảy máu và giảm số lần chảy máu.
  • Thuốc Ulipristal acetate: Điều hòa chọn lọc thụ thể progesteron, ulipristal acetate, thường được áp dụng cho người bị u xơ tử cung.

4.2. Điều trị cường kinh theo ngoại khoa

Với những trường hợp bị cường kinh có nguyên nhân bệnh lý nặng, điều trị nội khoa không đủ đáp ứng thì bác sĩ sẽ đưa lời khuyên hoặc chỉ định thực hiện phẫu thuật can thiệp để xử lý.

Ví dụ như cắt/xoắn vặn polyp (đối với bệnh polyp tử cung); nong nạo tử cung lấy mô xét nghiệm (đối với bệnh polyp phát triển từ nội mạc tử cung); bóc nhân xơ, lấy đi nội mạc tử cung, làm tắc động mạch tử cung hoặc thậm chí là cắt bỏ tử cung (đối với bệnh u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung)…

Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa được xem là phương án cuối cùng được lựa chọn sau các phương pháp khác không mang lại hiệu quả vì sự nguy hiểm và nguy cơ biến chứng cao, có thể gây tổn hại sức khỏe vĩnh viễn, chưa kể đến chi phí tốn kém.

5. Các biện pháp phòng ngừa cường kinh tại nhà

Ở một mức độ hỗ trợ tích cực, những phương pháp dưới đây có thể giúp hạn chế và phòng ngừa được chứng cường kinh ở phụ nữ:

  • Chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, lành mạnh: Ăn nhiều trái cây và rau quả mỗi ngày, đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng có giá trị. Hãy đa dạng các loại hoa quả, một mẹo nhỏ là hãy cố gắng đa dạng màu sắc của thực phẩm trong ngày của bạn. Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất kích thích. Đồng thời, hãy nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đúng giờ đủ giấc.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức: Phụ nữ có thể ưu tiên tập yoga, đi bộ, vận động nhẹ nhàng hằng ngày, kể cả trong những ngày hành kinh. Tuy nhiên chỉ nên tập luyện vừa sức, hạn chế lao động nặng nhọc trong những ngày xuất hiện kinh nguyệt.
  • Giữ vệ sinh vùng kín và cơ thể: Hãy chú ý việc làm sạch “cô bé” với các loại dung dịch nhẹ dịu phù hợp, không thụt rửa. Trong những ngày hành kinh lại càng phải chú ý vấn đề vệ sinh, thay băng thường xuyên, sử dụng loại đảm bảo chất lượng.
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ hoặc đi khám khi thấy có những dấu hiệu bất thường có liên quan.

Cường kinh là một dạng của rối loạn kinh nguyệt. Nếu như cường kinh liên tục kéo dài kèm theo những triệu chứng khác lạ, nhất định phụ nữ cần phải chú ý, không được chủ quan.

Rối loạn kinh nguyệt gây ra những biến chứng không tốt về mặt tâm lý, tinh thần, nhan sắc và sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Vì thế, cần sớm tìm ra một giải pháp tốt, an toàn, hiệu quả để hỗ trợ lâu dài điều hòa kinh nguyệt.

Ds Phương Thảo
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //