'Công nhận mại dâm là nghề thì phải có giáo trình, đào tạo nghề'
Dư luận đang tranh cãi việc có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không? Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng nếu coi mại dâm là nghề thì phải có ông tổ nghề, giáo trình, đào tạo nghề...
Công nhận mại dâm là nghề thì phải có ông tổ nghề, giáo trình?. Ảnh minh họa.
"Hợp pháp hóa mại dâm - nên hay không nên?" là nội dung được các đại biểu thảo luận tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ LĐTB&XH tổ chức.
Trả lời PV VTC News về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Khoan hãy nói đến chuyện công nhận mại dâm là một nghề, nhưng phải nhìn mại dâm là một thực thể đang tồn tại và phải có biện pháp quản lý từng bước. Bởi lẽ, nếu công nhận mại dâm là một nghề thì phải có đào tạo nghề, phải có bảo hiểm nghề… không lẽ lại thành lập trường đào tạo mại dâm?".
Theo TS Trịnh Hòa Bình, ở nước ta đây là một trong những vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến quan niệm, cách nhìn về nghề nghiệp.
Trong bức tranh phức hợp của Việt Nam, đặt vấn đề công nhận mại dâm là một nghề, sẽ đi kèm với nghề đó phải có bảo hiểm nghề nghiệp, đào tạo nghề nghiệp và có hệ thống những vấn đề liên quan để nghề đó vận hành một cách hoàn chỉnh, đồng bộ trong xã hội.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình. Ảnh: Trí thức trẻ
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không đã được bàn thảo từ lâu nhưng đến nay chưa có hồi kết. Để coi mại dâm là một nghề không hề đơn giản, theo Trí thức trẻ.
"Nếu theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, đã có nghề phải có tiêu chuẩn nghề, ông tổ nghề, có bộ giáo trình dạy nghề được cấp, chứng chỉ thang bảng lương... Như vậy sẽ vô cùng phức tạp. Nhưng theo tôi, dù thế nào, người hoạt động mại dâm cũng là con người nên có quyền được sống bình đẳng, đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội…", ông Lập nhấn mạnh.
Ông Lê Bạch Dương, đại diện của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt nam cũng nêu rõ, ở nước ta suốt nhiều năm qua mại dâm là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhưng chưa đi đến được sự đồng thuận.
"Việt Nam cần giải quyết vấn đề mại dâm theo cách tiếp cận phi hình sự hóa và tôn trọng quyền con người", ông Dương nói.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng hiện nay chúng ta đang quản lý mại dâm theo kiểu coi đó là tệ nạn, coi những người làm nghề này "như ma, như hủi".
Với cách nhìn hiện tại, vị ĐBQH này đề nghị cần phải quản lý mại dâm như một nghề, một hoạt động của xã hội và phải coi đó là một vấn đề đặc biệt để có sự quản lý đặc biệt, một thái độ ứng xử phù hợp.
"Các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cần phải có nghiên cứu cụ thể, trong đó đánh giá tác động xã hội của vấn đề này với xã hội, với chính những người làm nghề này. Đánh giá những vấn đề có liên quan như đảm bảo hạnh phúc gia đình, thuần phong mỹ tục, quản lý các vấn đề về thu thuế, khám chữa bệnh
Để làm việc này cần học tập kinh nghiệm quốc tế một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như vấn đề tổ chức ở những khu vực nào", ông Nhưỡng nêu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Trí thức trẻ, một lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, quan điềm của ông nếu xét về mặt chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật thì nếu coi mại dâm là một nghề, người hoạt động trong lĩnh vực này có nhiều lợi thế.
Cụ thể, họ sẽ được khám sức khỏe định kỳ, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tập huấn kỹ năng phòng chống bệnh lây qua đường tình dục... Như vậy, quyền lợi của người hành nghề mại dâm được đảm bảo hơn.
Xem thêm: Công an xin lỗi vụ bêu tên người mua, bán dâm giữa đường