Con số 100 nghìn người "bốc hơi" mỗi năm vạch trần góc tối của xã hội Nhật Bản
Ước tính ít nhất 100.000 người Nhật biến mất hàng năm. Chẳng ai bắt giữ họ cả. Chính họ chọn giải thoát sau khi trải qua những cú sốc lớn nhỏ trong cuộc sống như ly hôn, nợ nần, mất việc và thậm chí là thi rớt.
Đơn giản là sống tách biệt với xã hội
Công nghệ càng khiến vấn đề tồi tệ hơn, do nó làm tăng sự cô lập của thanh niên. Nhật Bản nổi tiếng với hội chứng được gọi là hikikomori – một dạng rút lui khỏi đời sống xã hội.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản định nghĩa hikikomori là những người từ chối rời khỏi nhà. Họ trốn trong nhà, cô lập, tách mình ra khỏi xã hội trong khoảng thời gian dài hơn 6 tháng.
Theo số liệu thống kê của chính quyền công bố hồi năm 2010, có 700.000 người đang chịu ảnh hưởng từ hội chứng hikikomori, với độ tuổi trung bình của họ là 31.
Người bị hội chứng này thường là nam giới, có xu hướng đóng chặt cánh cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài, trong thời gian kéo dài tính bằng nhiều tháng. Nhưng hikikomori chỉ là một trong nhiều hệ quả rất tiêu cực từ việc xã hội Nhật Bản đang mất dần các hoạt động giao lưu, gặp gỡ mặt đối mặt.
Xã hội Nhật phát triển nhưng ẩn chứa những áp lực vô hình. Ảnh minh họa
Phức tạp hơn là sống chui lủi mãi mãi
Kinh tế xuống dốc khiến nhiều người Nhật nợ nần chồng chất. Họ rơi vào tình cảnh như hàng trăm ngàn người Nhật khác: Bán nhà, gói ghém đồ đạc và biến mất mãi mãi.
Họ được gọi là những người “bốc hơi”. Hiện tượng này lên tới đỉnh điểm sau Thế chiến II và 2 cuộc khủng hoảng tài chính 1989 và 2008 nhưng không được nhiều người ở Nhật biết đến.
Từ giữa những năm 1990, theo tờ New York Post, ước tính ít nhất 100.000 người Nhật biến mất hằng năm. Chẳng ai bắt giữ họ cả. Chính họ chọn giải thoát sau khi trải qua những cú sốc lớn nhỏ trong cuộc sống như ly hôn, nợ nần, mất việc và thậm chí là thi rớt.
Hóa ra những con người "bốc hơi" này trú ngụ trong một thành phố bị lãng quên. “TP Sanya không nằm trên bất cứ bản đồ chính thức nào. Về mặt kỹ thuật, nó hoàn toàn không tồn tại.
Người Nhật biến mất bằng cách sống chui lủi trong các khu ổ chuột. Ảnh: Internet
Có thể gọi nó là một khu ổ chuột trong lòng Tokyo mà tên của thành phố đã bị chính quyền xóa sổ. Cư dân ở đó chỉ có thể tìm những công việc được cung cấp bởi các tổ chức tội phạm yakuza hoặc những ai muốn tuyển dụng lao động chui giá rẻ” - một nhà báo viết.
Những người “bốc hơi” sống trong các phòng khách sạn nhỏ và dơ dáy, thường không có internet cũng như nhà vệ sinh riêng. Không như các quốc gia hiện đại khác, Nhật Bản là quốc gia có xã hội kín kẽ bậc nhất thế giới. Nhờ vậy, nhiều người có thể biến mất và sống ẩn mình trong các khu ổ chuột như Sanya tại Tokyo hay Kama tại Osaka.
Việc sống chui lủi tại Nhật Bản dễ dàng hơn các quốc gia khác vì việc giao tiếp của người dân với nhau rất hạn chế. Những người mất tích vẫn có thể tìm được việc làm, hoặc đầu quân cho yakuza, tổ chức mafia hàng đầu Nhật bản và thế giới.
Nghiêm trọng hơn nữa thì tự tử
Người ta thường nói tới truyền thống “tự sát trong danh dự” là lý do để Nhật Bản có tỷ lệ tự sát cao. Người già thường coi tự sát như cách để thoát khỏi các vấn đề của họ. “Hệ thống bảo hiểm của Nhật Bản tương đối lỏng lẻo, liên quan tới việc chi trả cho các vụ tự sát.
Vì thế khi chuyện trở nên tồi tệ, một người có thể sẽ tìm cách tự sát để công ty bảo hiểm chuyển tiền cho gia đình họ. Có lúc, người già phải chịu áp lực kinh khủng, tới mức điều tốt đẹp nhất họ có thể làm là tự sát, và nhờ thế có thể mang tiền về cho gia đình” – Joseph cho biết.
Vì lẽ đó, một số chuyên gia tin rằng tỷ lệ tự sát ở Nhật Bản thực sự cao hơn so với các báo cáo. Rất nhiều cái chết đơn côi của người già không bao giờ được cảnh sát điều tra đầy đủ. Ngoài ra, Joseph nói rằng người Nhật chuộng hình thức hỏa táng di hài người chết nên các chứng cứ đều sẽ bị thiêu hủy nhanh chóng.
Nhiều người Nhật chọn tự tử ở ga tàu điện. Ảnh: Internet
Nhưng không chỉ người Nhật già cả, gặp rắc rối về tài chính, mới tự tử. Thanh niên Nhật Bản tự tử nhiều không kém. Thực tế, tự tử hiện là nguyên nhân lớn nhất khiến đàn ông Nhật Bản trong độ tuổi từ 20 – 44 thiệt mạng.
Có nhiều chứng cứ cho thấy thanh niên Nhật Bản tự sát vì họ đã mất hy vọng và không thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Các con số đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 1998. Chúng lại tăng lên tiếp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Các chuyên gia tin rằng sự tăng lên về tỷ lệ tự sát có liên quan tới việc ngày càng nhiều người lao động Nhật Bản phải tham gia các công việc mang tính thời vụ.