Con bị táo bón kéo dài, mẹ cảnh giác với những biến chứng nguy hiểm
Táo bón có thể trở thành nỗi “ám ảnh” với các bé mỗi khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn thực sự quan tâm đên việc con bị táo bón kéo dài. Điều này có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm hơn.
Trẻ bị táo bón kéo dài có thể gặp phải một số biến chứng bố mẹ không nên chủ quan
Do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên trẻ em là một trong những đối tượng dễ mắc các chứng bệnh về hệ tiêu hóa, trong đó có táo bón. Biểu hiện của táo bón là đi đại tiện khó khăn, thời gian lâu. Phân thường khô cứng, nguyên nhân của chứng táo bón do khả năng co bóp của ruột bị kém, không đủ mạnh.
Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng dành đủ quan tâm và theo sát từng dấu hiệu táo bón của con. Trong khi đó, nếu không được khắc phục kịp thời, trẻ có thể sẽ gặp phải những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Trẻ bị táo bón thường chậm lớn
Trao đổi với PV Đời sống Plus, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết, táo bón kéo dài khiến trẻ bị đầy hơi, chướng bụng dẫn tới chán ăn. Táo bón không được điều trị kịp thời, để lâu ngày khiến cho hệ tiêu hóa ở trẻ bị ảnh hưởng, mất khả năng hấp thụ dưỡng chất. Khi trẻ ăn ít, lại không hấp thụ được khiến cơ thể thiếu chất, kém phát triển, thậm chí suy dinh dưỡng. Ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả trí tuệ và thể chất ở trẻ. Đặc biệt khi trẻ đang tuổi lớn từ 2-6 tuổi.
Trẻ bị táo bón dài ngày trẻ dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa
Bác sỹ Dũng cũng nhấn mạnh, hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ vẫn còn non nớt, đặc biệt là đối với trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy, khi trẻ bị táo bón dài ngày sẽ ảnh hưởng đến đường ruột. Nếu táo bón liên tục có thể dẫn đến tình trạng trẻ sợ đi vệ sinh, khối phân tích tụ lâu ngày không được tống ra ngoài có thể gây tắc ruột, hoặc xuyên thủng và tràn vào ổ bụng gây nhiễm trùng ổ bụng. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Táo bón kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sinh hoạt, học tập của trẻ
Gây ra các bệnh ở đường hậu môn như trĩ, nứt hậu môn
BS Dũng cho biết thêm, khi trẻ bị táo bón, phải rặn nhiều tạo ra áp lực lớn lên thành hậu môn trực tràng. Khi đó, những tĩnh mạch vùng này muốn đưa máu về tim phải thắng được áp lực cao này ngày sẽ càng phồng to lên và giãn ra gây nên bệnh trĩ.
Phân cứng cũng có thể làm búi trĩ trầy xước, vỡ ra dẫn đến đi cầu ra máu gây mất máu. Sau đó, tình trạng trầy xước bội nhiễm, những vi trùng trong phân gây loét và tắc búi trĩ dẫn đến cơn đau trĩ cấp. Khi bị táo bón dài ngày trẻ dễ bị sa trực tràng do phân ứ đọng lâu trong trực tràng ảnh hưởng và cản trở tuần hoàn máu hay phình đại tràng.
Ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sinh hoạt, học tập ở trẻ
Theo BS Dũng, trẻ bị táo bón lâu dài đồng nghĩa với việc phân sẽ ở lâu trong đại tràng. Đây là nguồn kích thích gây nên những rối loạn thần kinh khiến trẻ trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, biếng ăn, mất tập trung…, gây ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt của trẻ. Chưa kể đến nỗi ám ảnh mỗi khi đi vệ sinh bị đau khiến trẻ sợ hãi, quấy khóc.
Ngoài ra, táo bón lâu ngày có thể gây ra những khó chịu đau đớn khác ở bé mà các bậc phụ huynh không ngờ tới như: Giảm sức đề kháng ở trẻ, làm trẻ dễ bị ốm; đau vùng thắt lưng; đau bụng dưới; đối với trẻ nữ còn nguy hiểm hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng âm đạo.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trị táo bón ở trẻ, nhất là đối với trẻ nhỏ (dưới 6 tuổi) cần phải tìm được nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón. Có thể do trẻ không hợp sữa, hoặc do được bồi bổ nhiều thức ăn nhiều đạm một lúc. Cũng có thể do trẻ uống ít nước, lười vận động… Nếu là các nguyên nhân trên cha mẹ cần phải điều chỉnh lại ngay chế độ ăn, uống cũng như sinh hoạt của con.
BS Dũng cũng chia sẻ thêm, nguyên nhân phổ biến gây táo bón ở trẻ là ở chế độ dinh dưỡng và môi trường sinh hoạt. Tuy nhiên, bố mẹ đặc biệt lưu ý tránh để trẻ bị tái đi phát lại nhiều lần, hoặc để táo bón kéo dài mà không điều trị, dẫn đến táo bón mãn tính và kéo theo giảm sút tình trạng sức khỏe của trẻ và nhiều hệ lụy khôn lường.