Con 1,5 tháng tuổi chết tức tưởi vì bị bố rung lắc quá mạnh

23-11-2017 09:42:26

Không ít trường hợp trẻ phải nhập viện vì những kiểu chăm sóc thiếu kiến thức của các bậc cha mẹ. Ví dụ như việc rung lắc mạnh khiến con xuất huyết não tử vong.

Nhiều bậc cha mẹ thiếu kiến thức chăm con dẫn đến trẻ bị xuất huyết não tử vong do bị Shaken baby syndrome (Hội chứng trẻ bị rung lắc). 

Trường hợp như của cựu quân nhân Nicholas Baxter (37 tuổi), Burdell, Townsville, Queensland, Úc là ví dụ điển hình cho việc trẻ tử vong vì rung lắc. 

Trang Dailytelegraph ngày 21/11 vừa đưa tin về phiên tòa xét xử cựu quân nhân Nicholas Baxter (37 tuổi) về cái chết của chính con trai anh ta, bé Matthew khi mới được 6 tuần tuổi. Tòa tuyên án bị cáo phạm tội ngộ sát vì hành động lắc bé sơ sinh một cách thô bạo, dẫn tới tử vong và phải chịu phạt 9 năm tù giam.


 Bé Matthew 6 tuần tuổi. Ảnh: Dailytelegraph

Được biết, sự việc xảy ra tại nhà riêng của bị cáo ở Burdell, Townsville, Queensland, Úc. Bé Matthew được phát hiện trong tình trạng mất hoàn toàn ý thức vào hôm 3/11/2011 và ngay lập tức được đưa vào bệnh viện Townsville. Tại phòng chăm sóc sơ sinh tích cực, các bác sĩ chẩn đoán bé bị xuất huyết võng mạc nghiêm trọng kèm sưng và chảy máu não.

Tới ngày 6/11/2011, bé Matthew đã chết não hoàn toàn, không có hi vọng hồi phục nên các thiết bị sự sống cho bé đã được rút ra. Bên cạnh đó, kết quả chụp X-quang lồng ngực còn cho thấy xương sườn của Matthew có 17 chỗ bị đứt gãy và đang trong quá trình liền lại. Bác sĩ X-quang, Anthony Lamont ước lượng trong số đó có 15 chỗ đã gãy được từ 7 tới 10 ngày, 2 chỗ còn lại đã gãy được khoảng 3 tuần rồi.

Hội chứng trẻ bị rung lắc thường xảy ra với các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Lý do là vì ở giai đoạn này, kích thước và trọng lượng đầu của bé chiếm khoảng 1/4 so với cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển.


Trẻ xuất huyết não vì bị... cha mẹ lắc. Ảnh minh họa

Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.

Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ sẽ gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.

Vì thế, bố mẹ không bao giờ nên chơi đùa với trẻ một cách “quá đà” khiến con bị rung lắc mạnh như vậy. Đặc biệt là không được tung con lên, xốc nách hay những trò chơi khiến con bị thay đổi tư thế đột ngột. Điều đó có thể gây những nguy hiểm khó lường cho bé.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //