Có nên cho trẻ bổ sung vitamin C để phòng cúm mùa?
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng cho trẻ dùng vitamin C thường xuyên liên tục có thể giúp tăng sức đề kháng, từ đó phòng và chữa cúm mùa hiệu quả. Suy nghĩ này có đúng?
Cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản... (ảnh minh hoạ)
Thời gian gần đây, nhiều trường hợp mắc cúm nặng liên tục được ghi nhận, thậm chí đã có ca tử vong. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tác nhân gây bệnh cúm mùa chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Các loại vi rút này có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc… nên dễ phát sinh thành dịch. Đặc biệt, chủng vi rút cúm A(H1N1) còn có thể gây ra các biến chứng nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản dễ dẫn tới suy hô hấp nguy hiểm.
Trước tình trạng cúm mùa hoành hành, rất nhiều phụ huynh đã tìm đến vitamin C như một sự cứu cánh cho trẻ và cả gia đình. Theo đó, nhiều bậc cha mẹ cho rằng cho trẻ dùng vitamin C thường xuyên liên tục có thể giúp tăng sức đề kháng, từ đó phòng và chữa cúm mùa và nhiều bệnh khác.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng việc này không thực sự có nhiều tác dụng trong việc phòng bệnh cúm.
Bác sĩ Dũng phân tích: “Một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy viatmin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu rõ vitamin C không thể ngăn chặn hoặc giảm các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh"..
Trường hợp bố mẹ muốn tăng sức đề kháng cho trẻ thì có thể bổ sung vitamin C dưới dạng trái cây tự nhiên như cam, chanh, đu đủ... Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý, vitamin C là hợp chất không thể tự tổng hợp, không bền, dễ tan trong nước nên không được tích lũy trong cơ thể. Đồng thời, nó còn dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn chế biến sẵn hoặc để lâu dễ bị mất đi, do vậy, vitamin C cần được cung cấp hàng ngày.
Ngoài ra, điều cần thiết nhất là phải cho con đi chích ngừa đầy đủ các mũi kháng sinh theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đồng thời, cho con ăn uống đa dạng các loại chất dinh dưỡng, uống nước đầy đủ và ngủ đủ giấc.
Nên bổ sung vitamin C dưới dạng trái cây tự nhiên như cam, chanh, đu đủ...
Điều trị cúm cho trẻ tại nhà như thế nào?
Bệnh cúm là bệnh viêm đường hô hấp do virus cúm gây nên và lây lan rất mạnh qua đường hô hấp. Khi trẻ bị cúm, có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà để không lây lan dịch bệnh ra những nơi công cộng hoặc tránh lây chéo trong bệnh viện.
Khi điều trị tại nhà, ngoài việc dùng thuốc chữa các triệu chứng như sốt, ho, chảy nước mũi… Khi trẻ có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không được tự mua thuốc cho trẻ, đặc biệt là sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.
"Cha mẹ cần chú ý cho con ăn uống đủ dinh dưỡng, tiêm chủng đầy đủ, để bé được vui chơi, vận động thoải mái là những biện pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu để trẻ tăng sức đề kháng", PGS nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa sạch tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch; Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp; Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người; Che miệng khi ho; Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sạch sẽ.