Chuyện về gia đình gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa - Kỳ 3: Thót tim đối mặt với hai lính canh bí ẩn
Thấy có người tới thì từ trong vườn đã có người đưa ra lời cảnh báo rùng rợn nên chẳng ai dám bước thêm. Có lần một cán bộ đã liều lĩnh "đột nhập", gần đến nhà thì chồng bà Thành chặn lại, nhất quyết không cho vào.
-
Chuyện một gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa - Kỳ 2: Run rẩy đột nhập "khu vườn kỳ bí"
-
Chuyện kỳ dị không thể tin ở Thanh Hóa - Kỳ 1: Cả gia đình hơn chục năm kín cổng, gần như tuyệt giao với xã hội
-
Huy động thêm nhân lực để tìm kiếm thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu ở Nghệ An
LTS: Đây là có lẽ là một trường hợp quá đỗi lạ lùng và cần sự lý giải cũng như quan tâm của chính quyền và các cơ quan khoa học. Từ một gia đình bình thường, vốn là công nhân sản xuất giỏi, con cái ngoan ngoãn, học hành tiến tới nhưng đột nhiên gia đình này đã tuyệt giao với thế giới bên ngoài, hơn chục năm trời chỉ ở trong ngôi nhà lúp xúp ẩn mình dưới tán cây rậm rịt.
Người trong xóm tò mò lai vãng thì sợ hãi bởi bị xua đuổi, thậm chí không dám tới gần khu nhà đó vì sợ hầm bẫy và những lời đồn thổi rợn người…
Trồng cây theo kiểu ngược đời: Ngọn cắm đất, gốc chổng lên trời
Như Đời sống Plus đã thông tin, từ một gia đình khá giả lao động giỏi ở xã Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa), cả gia đình bà Nguyễn Thị Thành bỗng thay đổi với những việc làm kỳ lạ, khó hiểu. Vào năm 2001, bà Thành bất ngờ bán hết đàn trâu bò, mua hàng vạn chiếc bát, hàng ngàn chiếc lưới cày về treo lên cây và chôn trong vườn.
Lối vào khu vườn nhà bà Thành luôn được dấp kín cành rào để cản khách không mời
Bà Thành còn mua rất nhiều lốp xe về đốt ra đề lấy dây thép quấn lại thành từng cuộn giống như cuộn chỉ khổng lồ, mua nhiều cây sắt về giăng khắp vườn nhà. Bà Thành cũng cho dựng lên 8 ngôi nhà bé xíu và dùng các dây thép nối các nhà với nhau rất khó hiểu.
Như đã nói ở bài viết trước, khi có ý định cho cả gia đình "bế quan", bà Thành có chia sẻ với bà Nguyễn Thị Dung, Bí thư Chi bộ Trạm Bảo vệ rừng Thành Vân - người mà gia đình bà thân thiết. Khi ấy, bà Thành đã nói với bà Dung rằng bà phải làm "việc thánh" và đến năm 2010 thì "sứ mệnh" của bà sẽ hoàn thành. Đến khi đó bà sẽ trở lại cuộc sống bình thường.
Dù sống gần nhau nhưng nhiều năm nay sự sống chết của bà Thành với vợ chồng ông Hồ vẫn là ẩn số
Sau cuộc nói chuyện đó, bà Thành như hoàn toàn biến thành người khác. Bà có những việc làm kỳ dị, không giống ai và hoàn toàn ẩn mình trong nhà, không cho bất kỳ ai thấy mặt. Bà Dung kể, trước đây, thấy bà Thành đột ngột thay đổi, vợ chồng bà cũng đã mấy lần đến thăm. Tuy nhiên, nói hết nước hết cái thì bà Thành cũng chẳng ra mặt, thậm chí vợ chồng bà Dung không được vào trong sân chứ đừng nói vào nhà.
Lo cho sự sống chết bà Thành, nhiều lần vợ chồng bà Dung phải đứng ngoài hàng rào gọi vọng vào. Có lần thì thấy bà Thành lên tiếng, nhưng cũng có lần trong nhà im phăng phắc. "Chỉ khi nghe được tiếng thì chúng tôi mới biết bà ấy còn sống thôi", bà Dung chia sẻ.
Quà cáp vợ chồng bà Dung mang đến, các con bà Thành nhận nhưng không dùng mà vãi hết ra sân vườn bất kể là thực phẩm sống hay đã qua chế biến.
Ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Thạch Thành (chồng bà Dung) vốn là người từng trải, đi đây đó nhiều nhưng tới giờ ông vẫn còn kinh ngạc với sự thay đổi khó hiểu của gia đình bà Thành. "Ngày trước nhà bà ấy còn trồng cây ngược cơ. Bất cứ loại cây gì thì bà ấy cũng chỉ đạo các con trồng theo kiểu cắm ngọn xuống, gốc chổng lên trời", ông Hồ kể.
Theo vợ chồng bà Dung thì khi thấy bà Thành đột nhiên thay đổi rồi lôi kéo chồng con làm những việc khác thường. Vợ chồng bà đã nghĩ có lẽ nào bà Thành và các thành viên trong gia đình muốn lợi dụng sự dị đoan, mê tín để trục lợi. Tuy nhiên sau này nghi vấn đó đã bị bác bỏ.
"Bà ấy không gặp ai, không xem tướng số cho ai, thậm chí quà người ta cho nhà bà ấy còn không nhận cơ mà", bà Dung cho biết.
Cán bộ cũng… chỉ ở vòng ngoài
Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, với sự hỗ trợ của công an xã Thành Vân, cán bộ rừng phòng hộ Thạch Thành, bà Dung đã quyết định cùng phóng viên đi vào “khu vườn kỳ bí”, nơi vợ chồng bà Thành sống ẩn dật hơn chục năm qua.
Ông Hồ thuyết phục Thanh ở trạm gác đầu tiên
Dù rất cố gắng, nhưng bà Dung và chúng tôi đã bị Thanh (con gái của bà Thành) chặn lại ngay ở ngôi nhà nhỏ xíu đầu tiên trong tổng số 8 căn nhà. Thuyết phục Thanh không thành, không còn cách nào khác chúng tôi đành rút lui. Bà Dung bảo, thường thì Thanh chặn ở "trạm gác" đầu tiên. Ai cố tình vượt qua "barie" này, chỉ cần đi chừng chục mét nữa thì Toàn sẽ thình lình xuất hiện.
Toàn khỏe và cục tính. Đối mặt với anh này thì chắc chắn có chuyện không hay.
Trước đó, tìm hiểu về gia đình bà Thành, chúng tôi đã nghe nhiều lời đồn thổi ác ý về sự sống chết của các thành viên trong gia đình này. Gặp được Thanh, biết cô gái này vẫn đang… sống thì cũng là chuyện tốt lành bởi hơn chục năm qua sơn nữ này vắng bóng.
Không vào được tận trong nhà bà Thành, chúng tôi quay trở về nhà bà Dung mang theo câu hỏi đau đáu là liệu bà Thành còn sống hay đã mất? Cô gái tên Thanh liệu có nói chính xác về sức khỏe của các thành viên trong nhà? Những phỏng đoán, nhận định được đưa ra nhưng câu hỏi khiến chúng tôi day dứt trên chẳng thể tìm được câu trả lời.
Trò chuyện với chúng tôi, cán bộ xã Thành Vân, cán bộ trạm bảo vệ rừng Thạch Thành đều kể những câu chuyện kỳ quái liên quan tới các thành viên trong gia đình bà Thành. Theo họ thì nhiều năm nay, hễ nghe những tin đồn về sự sống chết của người này người kia trong gia đình bà Thành thì ngay lập tức họ đến để tìm hiểu thực hư.
Tuy nhiên, tới trạm gác thứ hai thì ông Hồ đã gặp sự kháng cự quyết liệt
Tuy nhiên, như chúng tôi, họ cũng chỉ được "đứng ở vòng ngoài". Thấy có người tới thì từ trong vườn đã có người đưa ra lời cảnh báo rùng rợn nên chẳng ai dám bước thêm. Có lần một cán bộ đã liều lĩnh "đột nhập", gần đến nhà thì ông Thái, chồng bà Thành chặn lại, nhất quyết không cho vào.
Ông Thái nói lý rằng, nhà ông không làm ảnh hưởng tới ai thì mọi người cũng không nên gây xáo trộn cuộc sống của gia đình ông. "Đúng là người ta chẳng có hành vi gì ảnh hưởng đến người khác nên dù lo cho sức khỏe gia đình họ nhưng chúng tôi cũng chẳng có lý do gì để vào cả", cán bộ này chia sẻ.
Thanh nói chuyện tỉnh táo nhưng ăn vận thì vô cùng kỳ dị
Đang mải trò chuyện thì vừa lúc ông Hồ từ cơ quan về. Thông cảm với sự sốt sắng của chúng tôi, ông Hồ bảo, ông sẽ cùng chúng tôi quay lại nhà bà Thành một lần nữa. "Đúng là ở cách nhà nhau có vài trăm mét thôi nhưng mười mấy năm nay tôi cũng chưa thấy mặt chị Thành", ông Hồ chia sẻ.
Người đàn ông liều lĩnh
Trên đường dẫn chúng tôi quay lại nhà bà Thành, ông Hồ kể, ông vốn xuất thân là bảo vệ lâm trường. Ngày trước chốn này rừng hoang nước độc, thú dữ nhiều và lâm tặc cũng lắm. Là cán bộ bảo vệ rừng, ông từng đối đầu và cảm hóa không biết bao nhiêu những kẻ "ăn của rừng mà chẳng rưng rưng nước mắt". Có lẽ, kể cho chúng tôi những chuyện này, ông Hồ muốn chúng tôi vững tâm hơn.
Một ngôi nhà bí ẩn khác trong "khu vườn ma quái"
Sơn cước tắt nắng nhanh, bởi rậm rịt, nhiều cây lớn lên khu vườn nhà bà Thành càng thêm phần thâm u. Xuống xe máy, ông Hồ phăm phăm bước vào lối mòn mà bất cứ ai muốn vào cũng đều phải rón rén. Bám theo người đàn ông trông tướng mạo như con gấu ấy phần vì mệt, phần vì sợ nên trống ngực chúng tôi cứ thình thịch liên hồi.
“Chị Thành à, em nghe vợ em bảo, chị cho phép em vào thăm gia đình”, vừa đi ông Hồ vừa đánh tiếng. Tuy nhiên, đáp lại lời ông chỉ là tiếng cây rừng xào xạc. Đến cửa khu vườn, đúng như dự liệu của chúng tôi, ông Hồ khựng lại vì từ trong lùm cây, một bóng người vụt ra, chặn lối. Người ấy vẫn là Thanh.
“Chú nghe dì nói mẹ cho chú xuống thăm. Chú nhớ bố mẹ cháu lắm, chú rất thương gia đình cháu. Tại sao lại không cho chú đến thăm là sao", ông Hồ lớn tiếng. Thành không nói gì chỉ đưa cây gậy ra chặn ngang đường.
"Bây giờ dân giàu nước mạnh, xã hội tiến lên, xã hội cũng rất quan tâm đến gia đình cháu. Bố mẹ cháu ngày một già, các cháu còn có tương lai. Cháu từng là học sinh giỏi, về không giải thích cho bố mẹ mà lại đi theo như vậy là sao?
Ông Hồ bị Toàn cầm tay kéo ra ngoài
Cộng đồng xã hội giờ quan tâm đến gia đình cháu, muốn giúp đưa gia đình cháu đến ở một nơi sạch sẽ, đủ điều kiện sống như một công dân khác…”, ông Hồ tìm mọi cách thuyết phục.
Đáp lại lời ông Hồ, Thanh chỉ nói một câu cụt ngủn: “Chú về đi! Nhà cháu sống thế này tốt lắm rồi, không cần ai giúp đỡ. Nhiều người còn khổ hơn các cháu”.
Ông Hồ vẫn kiên trì thuyết phục, giọng mỗi lúc một lớn. Có lẽ sợ vía của người đàn ông ấy nên vài phút sau, Thanh đã xuống nước. Cô yêu cầu ông Hồ đứng im tại đó để chạy vào báo cáo "người trong nhà". Nếu "người trong nhà" đồng ý thì ông Hồ mới được vào, nhược bằng không thì phải quay ra.
Đối mặt thót tim với "người lính canh" bí ẩn
Khi Thanh vừa đi khuất bóng sau lùm cây, nhân cơ hội đó ông Hồ tiến thẳng vào ngôi nhà lớn. Thế nhưng, kế hoạch "tấn công bất ngờ" đó của ông đã bị phá sản bởi đi thêm vài bước nữa thì Nguyễn Văn Toàn, con trai út bà Thành đã bất thình lình cầm gậy lao ra chặn lối. Sự xuất hiện bất ngờ của Toàn làm chúng tôi thực sự thót tim.
Toàn ăn mặc y chang chị gái của mình. Áo bay, quần sẫm màu nhưng rách tả tơi, vá chằng và đụp. Cũng như chị mình, Toàn đội chiếc nón làm bằng bạt màu lam, bên trong là chiếc mũ được tự đan bằng dây nhựa. Đương nhiên, Toàn ngăn không cho ông Hồ tiến thêm bước nữa. Theo phía sau, chúng tôi cũng chẳng dám nhúc nhích.
Lưỡi cày sắc lẹm được treo từ ngọn cây xuống đất ngay cạnh lối vào nhà khiến ai nhìn cũng rùng mình
Tiếp tục thuyết phục Toàn nhưng sự cố gắng của ông Hồ chẳng thể lay chuyển cậu thanh niên này. Sau cùng, ông Hồ đổi “chiến thuật” bằng giọng đanh thép: “Nhà cháu ở trên đất do chú quản lý. Chú phải có trách nhiệm với nhà cháu, chú phải được biết xem nhà cháu đang ăn ở thế nào!”.
“Đất là của trời của đất, của Nhà nước chứ chẳng của riêng ai. Nếu ai đến đây phá nhà cháu sẽ gánh hậu quả”, Toàn gằn giọng đáp lời.
Khi cuộc "đấu lý" ấy diễn ra mỗi lúc một căng thẳng thì Thanh lại bất ngờ xuất hiện, đứng ngay cạnh Toàn với cây gậy lăm lăm trên tay. Ăn vận giống nhau, trên đầu đội nón mê tự làm, tay cầm gậy dài, chị em Thanh - Toàn trông hệt như hai người lính canh cửa quan ở thời phong kiến xa xưa.
Đứng cách ông Hồ và hai chị em Thanh, Toàn cỡ chục mét, chúng tôi cố căng tai nghe cuộc nói chuyện của hai bên. Và, điều quan trọng nhất là quan sát thái độ của hai chị em "người gác cổng trung thành" kia. Hễ họ có biểu hiện gì khác thường thì theo lời dặn của mọi người, chúng tôi ngay lập tức phải… rút lẹ.
Ông Hồ vẫn kiên trì thuyết phục nhưng sắc mặt của Toàn vẫn chẳng hề suy chuyển, anh ta vẫn kiên quyết mời ông Hồ về. Thậm chí, vài bận ông Hồ cố dấn lên thì Toàn lùi lại, cây gậy trên tay như chực động thủ, ra đòn.
Sau cùng, không nghe những lời "thuyết khách" của ông Hồ nữa, Thanh tiến lại cầm tay ông Hồ lôi ra. “Chị Thành ơi, anh Thái ơi! Em Hồ đây mà! Em muốn vào thăm chị! Chị Thành ơi”, ông Hồ rướn người vớt vát.
(Mời các bạn đón đọc kỳ 4 ngày 20/7)