Chuyên gia lên tiếng về bật đèn xe ban ngày: 'Nóng 40 độ, bật đèn thì rất khổ'
Theo các chuyên gia giao thông, đề xuất bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết, bởi nóng 40 độ C còn bật đèn xe thì rất khổ.
Chuyên gia lên tiếng về bật đèn xe ban ngày: 'Nóng 40 độ, bật đèn thì rất khổ'. Ảnh minh họa
Liên quan đến đề án của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, khoản 3 Điều 27 của dự thảo này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, trong khoản 3, Điều 27 đề xuất: "Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau",
Về sự việc này, trao đổi với PV Dân việt, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia nghiên cứu về giao thông cho rằng, ông không đồng tình với đề xuất này vì nó không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Thuỷ, luật này lấy từ nước ngoài như ở châu Âu để áp vào Việt Nam là không phù hợp. Các nước đó có sương mù nhiều, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông nên họ yêu cầu các phương tiện phải bật đèn.
Còn ở Việt Nam là nước nhiệt đới, trời nóng, một năm có 70-80% thời gian trời sáng, vì vậy không nên bật đèn suốt. Đáng nói, trên đường có hàng triệu phương tiện xe máy tham gia giao thông bật đèn sẽ càng gây nóng nực, phản cảm, gây cảm giác khó chịu với người đi ngược chiều.
“Nước mình trong tương lai cũng không nên đưa vào để áp dụng. Đừng có thấy nước ngoài làm mình cũng làm theo, nó không phù hợp. Nắng ngày càng nóng, dưới thời tiết nóng 40 độ C còn bật đèn xe lên nữa thì rất khổ, vừa nóng lại phản tác dụng”, Tiến sĩ Thủy nói.
Tiến sĩ Thuỷ cho rằng, việc áp dụng bật đèn vào ban ngày để giảm thiểu tai nạn giao thông không có tác dụng còn gây rắc rối, giảm tầm nhìn, ngược lại gây tai nạn nhiều hơn.
“Tai nạn giao thông không phải là do không bật đèn mà chủ yếu là do hạ tầng yếu kém. Việc bật đèn gây ra lãng phí về năng lượng trong ắc qui xe. Tiếp đó là gây ra ô nhiễm môi trường, tăng tiêu thụ nhiên liệu”, Tiến sĩ Thuỷ nhấn mạnh.
Bình luận về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc bật đèn xe máy vào ban ngày là quy định không cần thiết, không giải quyết được vấn đề và cũng hơi kỳ.
"Đề xuất bật đèn vào ban ngày theo tôi nó không phù hợp với khí hậu, thời tiết ở Việt Nam”, ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, hiện nước ta chưa có số liệu chứng minh tai nạn giảm được nhờ việc bật đèn vào ban ngày. Ở đất nước ít nắng thì cần phải bật đèn khi hạn chế tầm nhìn chứ Việt Nam không cần thiết.
Trước đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, dự luật bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là quy tắc sử dụng đèn của các phương tiện tham gia giao thông, theo Pháp luật TP.HCM.
Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.
Theo quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019, người điều khiển xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Theo điểm L khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.