Chuyên gia Bộ Y tế hướng dẫn xử lý F0, F1 tại trường học
Theo Chuyên gia Bộ Y tế, đối với lớp có học sinh F0, cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1; di chuyển học sinh sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học...
Tiến sĩ Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) trình bày báo cáo tóm tắt về đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Ảnh chụp màn hình.
Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 kết nối các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 16/2, Tiến sĩ Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) trình bày báo cáo tóm tắt về đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp.
Trong đó, vị đại diện này đã đưa ra tài liệu hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục phải bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp độ.
Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2, các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở các cấp độ 3, 4 không đến trường học mà ở nhà học trực tuyến, nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên dạy học cho các em.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trước khi đón học sinh quay trở lại học trực tiếp, nhà trường phải bảo đảm đủ nước uống vệ sinh, mỗi học sinh có một cốc uống nước, đồ dùng cá nhân riêng.
Cùng với đó, bố trí và bảo đảm nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay, nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ trang thiết bị vệ sinh trường học. Đặc biệt, các trường tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên về công tác phòng, chống dịch, cách phát hiện trường hợp nghi mắc…
Nhà trường thông qua sổ liên lạc điện tử/hệ thống thông tin liên lạc sẵn có để tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, cha mẹ học sinh các biện pháp bảo vệ sức khỏe, theo dõi sức khỏe của học sinh và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân. Đồng thời, yêu cầu học sinh, cha mẹ học sinh phải theo dõi sức khỏe của học sinh và thông tin ngay cho nhà trường khi học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở….
Khi học sinh trở lại học, theo Bộ Y tế, nhà trường phải bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong trường.
Lớp học phải mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa. Nhà trường cần yêu cầu học sinh hạn chế tiếp xúc với nhau; hướng dẫn đúng quy định phòng, chống dịch, không dùng chung đồ dùng cá nhân…
Đại diện Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong trường hợp phát hiện học sinh hoặc cán bộ giáo viên sốt, ho, khó thở thì cần đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly. Nếu phát hiện có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 trong trường học, hướng dẫn di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Đồng thời, thông báo cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với lớp có học sinh F0, cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Ngoài ra, cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Ảnh chụp màn hình.
Học sinh là F1 cho nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vắc xin, thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, âm tính, cho đi học trở lại. Học sinh F1 chưa được tiêm vắc xin, cũng cho nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày.
Đối với các lớp học khác, nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với các học sinh lớp khác, thì cho đi học bình thường.