Chuyện chưa kể trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Trung Quốc: Đông - Tây y 'song kiếm hợp bích'

17-03-2020 08:05:11

Kết hợp giữa Tây y và Đông y, tới thời điểm này, Trung Quốc đã được đánh giá là hiệu quả trong việc dập dịch Covid-19. Trong các bài thuốc mà Đông y Trung Quốc ứng dụng thì luôn có sự hiện diện của một thảo dược quý…

Xúc động chuyện 'tướng già xung trận'

Kết hợp y học cổ truyền và Tây y để chống lại virus là một phương pháp điều trị mà y tế Trung Quốc đã sử dụng ngay từ cuộc chiến chống đại dịch SARS năm 2003. Tìm hiểu chúng tôi được biết, Giáo sư - Viện sĩ Trương Bá Lễ, Hiệu trưởng Trường Đại học Trung y Thiên Tân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung y Bắc Kinh, chuyên gia hàng đầu về y học cổ truyền Trung Quốc là 'cha đẻ' của phương pháp điều trị này. 

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đông y và Tây y Trung Quốc tiếp tục 'song kiếm hợp bích' và Giáo sư, Viện sĩ Trương Bá Lễ lại được 'trưng dụng' và một lần nữa đông y Trung Quốc lại cho thấy những giá trị quá đỗi tuyệt vời.

Là bậc thầy về Đông y, Giáo sư - Viện sĩ Trương Bá Lễ có nhiều học trò ở khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam ông cũng có những 'đệ tử chân truyền'. PGS.TS Đoàn Quang Huy, Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam là một trong những 'học trò yêu' ấy.

Trò chuyện với chúng tôi giữa những ngày đại dịch Covid -19 đang ngày một lây lan với những diễn biến khó lường, PGS.TS Đoàn Quang Huy đã chia sẻ nhiều chuyện xúc động về người thầy đáng kính của mình. Ấn tượng nhất vẫn là chuyện Viện sĩ Trương dù ở tuổi xưa nay hiếm, dù mang trong mình trọng bệnh nhưng khi tổ quốc và nhân dân cần thì vẫn tả xung hữu đột chiến đấu với virus Corona chủng mới ngay tại tâm dịch Vũ Hán.


Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, đã có rất nhiều tấm gương y bác sĩ không quản ngại gian khó, hết lòng vì người bệnh. Hình minh họa.

Theo lời PGS.TS Đoàn Quang Huy, khi đại dịch Covid -19 bùng phát, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương Trung Quốc đã triệu tập nhiều giáo sư, y bác sĩ đầu ngành đến Vũ Hán để hợp sức chống dịch. Hưởng ứng lời 'hiệu triệu' ấy, Viện sĩ Trương đã tức tốc lên đường.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Huy, ngày 27/1/2020 (mùng 3 Tết), khi đang hướng dẫn cuộc chiến chống dịch bệnh ở Thiên Tân thì Viện sĩ Trương Bá Lễ, thầy ông được 'lệnh' đến Vũ Hán. Tới tâm dịch, Viện sĩ Trương được phân công là tổ trưởng tổ chống dịch.

Tình hình nguy cấp, dịch bùng phát mỗi lúc một dữ dội, viện sĩ Trương đã làm việc không kể ngày đêm và cũng bởi lao lực quá sức đến ngày 16/2, căn bệnh liên quan đến túi mật của viện sĩ tái phát. Khi ấy, những người có trách nhiệm đã yêu cầu Viện sĩ Trương phải nhập viện để phẫu thuật chứng bệnh đeo đuổi ông đã nhiều năm.

Ban đầu, Viện sĩ Trương muốn trì hoãn cuộc phẫu thuật ấy vì Vũ Hán đang ở cao điểm của dịch, vẫn còn rất nhiều người bệnh đang chờ đợi để được ông cứu chữa. Thế nhưng, bệnh tình của ông ngày một nghiêm trọng, đến thời điểm không thể trì hoãn được nữa thì ông mới chấp nhận nhập viện để làm phẫu thuật. Theo lời kể của PGS.TS Đoàn Quang Huy thì khi ấy túi mật của thầy ông đã bị mủ và nếu không mổ nhanh có thể ảnh hưởng tính mạng.

PGS.TS Đoàn Quang Huy kể, sợ ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của đồng nghiệp, thầy ông đã đề nghị không tiết lộ thông tin về cuộc phẫu thuật của mình ra bên ngoài. Và, vừa tỉnh dậy sau ca mổ, thầy ông đã nhờ thư ký đọc thông báo tình hình đại dịch và thường xuyên nhận điện thoại để tư vấn cho nhân viên y tế. Nếu không nhìn kim tiêm tĩnh mạch ở cổ tay thì không ai có thể biết người đàn ông 72 tuổi này vừa trải qua ca phẫu thuật “thập tử nhất sinh”.


Bệnh viện dã chiến ở quận Kiều Khẩu thành phố Vũ Hán. 

Theo chia sẻ của PGS.TS Đoàn Quang Huy thì con trai GS. Viện sĩ Trương Bá Lễ là Trương Lỗi cũng là một bác sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. Thấy cha dù tuổi cao sức yếu vẫn 'tả xung hữu đột' với đại dịch Covid, bác sĩ Trương Lỗi cũng đã đăng ký tham gia đội ngũ y tế tình nguyện từ Thiên Tân tới Hồ Bắc để viện trợ cho bệnh viện dã chiến Giang Hạ (TP. Vũ Hán).

Bác sĩ Trương Lỗi là Phó Chủ nhiệm Khoa Phong thấp và Miễn dịch của Đại học Trung y dược Thiên Tân. Ông cũng đã có kinh nghiệm tham gia phòng chống dịch SARS và cúm gà. Việc đến tâm dịch Vũ Hán để hỗ trợ chống Covid-19, bác sĩ phải giấu mẹ mình vì không muốn bà lo lắng.

Cùng 'chiến đấu' ở tâm dịch Vũ Hán nhưng hai cha con viện sĩ Trương không hề gặp nhau. Theo lời kể của PGS.TS Đoàn Quang Huy thì Viện sĩ Trương không muốn con đến thăm ngay cả khi ông vào viện phẫu thuật bởi ông muốn con trai mình tập trung hết sức cho việc chăm sóc các bệnh nhân.

Vũ khí lợi hại

Qua lời kể của PGS.TS Đoàn Quang Huy thì khi đến Vũ Hán, thầy ông, Viện sĩ Trương Bá Lễ đã thấy diễn biến của đại dịch phức tạp và hình tồi tệ hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Các phòng khám có rất nhiều bệnh nhân sốt, các bệnh nhân được truyền dịch đứng lẫn với những người xếp hàng đăng ký khám. Khi ấy, thầy ông biết rằng, tình trạng hỗn loạn này sẽ chỉ làm tăng cơ hội lây nhiễm và đẩy nhanh sự lây lan của virus.

Tại cuộc họp của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương, ông đề nghị cần cách li tập trung, phân loại 4 dạng bệnh nhân là: Người sốt, có hiện tượng liên quan, người tiếp xúc và nghi nhiễm. Viện sĩ Trương cho rằng trong số những người sốt, có thể chỉ cảm cúm thông thường, nếu họ đến bệnh viện và tiếp xúc với bệnh nhân thực sự bị viêm phổi chủng do virus mới, số người nhiễm bệnh sẽ chỉ tăng lên.


Một bệnh viện ở Vũ Hán quá tải vì tiếp nhận nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sốt chờ được khám.

Chiến đấu với đại dịch Covid, với kinh nghiệm gần 50 năm của mình, Viện sĩ Trương Bá Lễ nhận định Đông y rất có hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân không may mắn vướng vào căn bệnh quái ác này. Từ nhận định đó, đội ngũ y bác sĩ chống dịch đã ngay lập tức đưa Đông y vào chống dịch.

PGS.TS Đoàn Quang Huy kể, thời điểm đó nhiều bệnh nhân nghi ngờ về hiệu quả của y học cổ truyền khiến thầy ông vô cùng trăn trở. Vài ngày sau đó, hàng chục bệnh nhân được chữa khỏi tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Hồ Bắc thì mọi người mới thừa nhận tác dụng chống độc tuyệt vời y học cổ truyền.

Theo lý giải của Viện sĩ Trương, thuốc Đông y có tác dụng can thiệp sớm đến bệnh trạng của bệnh nhân cảm cúm nhẹ. Đối với bệnh nhân đang cách ly tập trung, sử dụng thuốc Đông y sẽ ức chế virus phát triển, ngăn không cho  bệnh nặng thêm.

Với sự thúc đẩy mạnh mẽ của ông Trương Bá Lễ và các thành viên nhóm chuyên gia, các bệnh nhân nguy kịch tại các bệnh viện Hiệp Hòa, Đồng Tế và Kim Ngân Đàm của Vũ Hán cũng được điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với Tây y. Trong khi Tây y hỗ trợ hô hấp thì Đông y lại ổn định sự bão hòa oxy máu và kiểm soát tiến trình viêm phổi, ức chế các yếu tố viêm và bảo vệ các chức năng quan trọng của cơ thể.

'Song kiếm hợp bích'

Tại Trung Quốc, không phải tất cả các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều được điều trị theo một phác đồ giống nhau. Mỗi tỉnh có quyền đưa ra chính sách điều trị của riêng mình. Tại Quảng Đông và Chiết Giang, 2 tỉnh có số lượng bệnh nhân cao chỉ xếp sau Hồ Bắc thì bệnh nhân được cho sử dụng thảo dược để giảm triệu chứng ngay cả trước khi xét nghiệm dương tính với virus và chính phác đồ này đã cho những kết quả đáng mừng.

Theo đó, kết quả tổng kết ngày 14/2 cho thấy, tỷ lệ tử vong tại Quảng Đông chỉ là 0,1% trên tổng số người nhiễm bệnh trong khi đó tỷ lệ này ở Vũ Hán là 2,6%. Còn tại Chiết Giang trong số 1.155 bệnh nhân nhiễm virus không ghi nhận ca nào tử vong.

Kết quả bất ngờ này khiến các cơ quan chống dịch của Trung Quốc tại Vũ Hán đã phát đi một chỉ thị khẩn cấp với nội dung yêu cầu tất cả các cơ quan và bệnh viện liên quan đến chống dịch Covid-19 phải đảm bảo thảo dược (dưới dạng trà) để cung cấp cho tất cả các ca nhiễm và nghi nhiễm. Theo thống kê, chỉ có 1/3 số bệnh nhân ở Hồ Bắc được cho dùng thuốc thảo dược, so với gần 90% tại các vùng khác ở Trung Quốc.

Trên mạng xã hội ở Trung Quốc, những đóng góp của y học cổ truyền trong cuộc chiến chống Covid-19 nhận được nhiều khen ngợi và cũng có nhiều hoài nghi.Trong khi nhiều người ủng hộ việc sử dụng các loại thảo mộc dựa trên kinh nghiệm cá nhân thì một số khác vẫn rất hoài nghi, thậm chí bài trừ.


Những đóng góp của y học cổ truyền trong cuộc chiên chống Covid-19 nhận được nhiều khen ngợi nhưng cũng có không ít hoài nghi. Hình minh họa.

Phe phản đối cho rằng virus rất khó tiêu diệt vì nó không sống như một sinh vật độc lập giống tế bào vi khuẩn. Khi vào cơ thể, nó tiêm mã gene lạ vào tế bào của cơ thể người bệnh và nhân đôi nhanh chóng, gây ra các tổn thương đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến khen chê, hiệu quả thực tế của những người bệnh dùng kết hợp Đông y và Tây y trong điều trị Covid-19 có lẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất.

Trong họp báo mới đây về Covid-19, ông Zhang Boli, thành viên của hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc cho biết, một nhóm điều trị tại Quảng Châu đã điều trị cho hơn 50 bệnh nhân và sau đó không có ai xuất hiện triệu chứng nào nghiêm trọng. 

Tại Thượng Hải, bệnh nhân được điều trị kết hợp thường mất 7 hoặc 8 ngày để kiểm tra âm tính (đối với virus corona). Nếu không có thuốc thảo dược thì có thể mất hơn 10 ngày.

Hiện tại, sự hiện diện của y học cổ truyền trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại các bệnh viện của Vũ Hán đã vượt quá con số 80% so với 30% ban đầu. Còn tại các bệnh viện dã chiến (nơi điều trị cho các bệnh nhân nhẹ hơn) thì sự hiện diện này vượt quá 90%.

Mới đây, một số nhà máy lớn ở Hồ Bắc đã đi vào hoạt động để sản xuất đồ uống thảo dược cho những người bị cách ly. Đồ uống được đun sôi và phân phối qua bao bì nhựa. Một nhà máy có thể đáp ứng đồ uống hàng ngày cho khoản 30 nghìn bệnh nhân cách ly.

Được biết, các bài thuốc y học cổ truyền được đưa vào sử dụng kết hợp với Tây y cũng đã được sử dụng kể từ khi bùng phát đại dịch SARS năm 2003. Khi đó,  Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tiến hành nghiên cứu về tác dụng của thuốc thảo dược trong cuộc chiến này. 

Năm 2014, Giáo sư Zhang Chenyu đang nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Nam Kinh đã một lần nữa khẳng định vai trò không thể thiếu của Đông y trong việc tham gia ngăn chặn và điều trị các loại virus cúm nguy hiểm. Và trong bài viết có tính bước ngoặt của mình đăng trên tạp chí Cell Research năm 2014, nhóm của Zhang đã phát hiện ra rằng cây kim ngân hoa là một vị thuốc có thể loại bỏ virus cúm A vô cùng hiệu quả.

 Theo PGS.TS Đoàn Quang Huy thì câu chuyện xúc động về thầy ông, GS.Viện sĩ Trương Bá Lễ, người dẫn đầu đoàn công tác củaTrường Đại học Trung y Thiên Tân tới Vũ Hán chống dịch đã được đăng tải bằng cuộc phỏng vấn trên sóng truyền hình CCTV1 của Truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 29/1/2020. 

Bài 2: Đông- Tây y kết hợp trong cuộc chiến chống Covid-19: Kim ngân hoa, thảo dược thần diệu?

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //