Chuyện cảm động về những ngôi mộ đôi ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên

07-05-2019 09:45:17

Trong quá trình tìm kiếm và quy tập hài cốt thường xuất hiện trường hợp nhiều chiến sỹ cùng hy sinh tại cùng một địa điểm. Mưa nắng và thời gian đã khiến các anh vĩnh viễn “ôm chặt” nhau ngủ.

Những ngày này, tại các nghĩa trang liệt sỹ ở Điện Biên, những dòng người thành kính dâng những vòng hoa, thắp những nén hương lên đài tưởng niệm, lên từng ngôi mộ liệt sỹ, bày tỏ sự tri ân đến những anh hùng liệt sỹ đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ.

Tại Nghĩa trang A1, từ sáng sớm đến xế chiều luôn tấp nập những đoàn du khách đến thăm viếng, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ. Từ các em học sinh đến các cụ già, những cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ hay các chiến trường khác đều có chung tấm lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, hy sinh để giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Những nén nhang không ngừng tắt trên các phần mộ ở nghĩa trang.


Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1.

Trong dòng người đến viếng nghĩa trang có những người lính đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Từng là chiến sỹ tham gia đánh Đồi A1, sau giải phóng Điện Biên, cụ Phạm Thắng (87 tuổi) về Hà Nội xây dựng cuộc sống mới. Giờ đây, trở lại chiến trường xưa, ký ức về những ngày tháng hào hùng lại trở về vẹn nguyên trong tâm trí người lính già.

Thắp những nén nhang cho đồng đội, xúc động lau những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo, cụ Phạm Thắng cho biết: “Lính Pháp gọi Đồi A1 là “cối xay thịt”, bộ đội ta hy sinh rất nhiều ở đây. 87 tuổi được trở lại chiến trường xưa, tôi thấy Điện Biên ngày hôm nay khác xa so với Điện Biên của 65 năm trước. Đến đây, tôi càng nhớ thương đồng đội của mình. Đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh để Điện Biên có được ngày hôm nay...”.


Những chiến sỹ Điện Biên năm xưa về thăm đồng đội đã ngã xuống...

Trong số ít các liệt sỹ đã được xác định danh tính, có lẽ đặc biệt nhất là hai ngôi mộ đôi nằm ngay lối dẫn vào đài tưởng niệm. Từ nhiều năm nay, đây đã trở thành “ngôi nhà chung” của những người lính tử trận năm nào.

Ở phía ngoài cùng là mộ chung của liệt sỹ Hoàng Văn Thục (quê ở Tam Nông, Phú Thọ) và liệt sỹ Nguyễn Văn Vun (Thanh Miện, Hải Dương). Ngay bên cạnh, liệt sỹ Nguyễn Xuân Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An) chung phần mộ với liệt sỹ Chu Văn Thảo (Từ Sơn, Bắc Ninh). Các anh đều hy sinh khi đang ở độ tuổi 23-24, lứa tuổi phơi phới nhất của thanh xuân.

Lý giải về hai ngôi mộ đôi kỳ lạ này, những người dân xung quanh nghĩa trang Điện Biên cho hay, trong quá trình tìm kiếm và quy tập hài cốt thường xuất hiện trường hợp nhiều chiến sỹ cùng hy sinh tại cùng một địa điểm. Mưa nắng và thời gian đã khiến các anh vĩnh viễn “ôm chặt” nhau ngủ. Không thể tách và cũng không ai tách nổi tình đồng đội của các anh. Thế hệ hậu sinh đành đưa họ về chung một nhà từ đấy.

Mặc dù tới từ những địa phương khác nhau, cũng không cùng ngày mất, nhưng đến giây phút cuối cùng, những chàng lính trẻ ngày nào từng khắc lên tim mình lời thề Tổ quốc đã nằm chung lại theo cách lạ kỳ như thế…


Hai ngôi mộ đôi ở nghĩa trang Điện Biên.

Cách đó không xa, trên điểm di tích A1 còn có một ngôi mộ tập thể vô danh khác được tìm thấy khi những nhân viên của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ trồng hoa lên ngọn đồi lịch sử.

Cô hướng dẫn viên trẻ măng của bảo tàng gần như bật khóc: “Hôm ấy, chúng em nhận nhiệm vụ trồng lại hoa trên đỉnh đồi. Vừa gạt lớp đất ra vài chục phân, những nhân viên của Bảo tàng đã thấy hài cốt của các anh nằm lẫn với nhau. Gần ngay đó là khẩu súng bazoka đã gỉ nhoèn”.

Thông tin nhanh chóng được báo lên ban quản lý. Sau khi rà soát và kiểm tra, người ta chỉ có thể xác định được đây là những gì còn lại của 4 chiến sỹ thuộc Trung đoàn 174 và 102. Không tên, không tuổi, không năm sinh. Chỉ biết họ đã cùng nhau hy sinh vào rạng sáng ngày 1/4/1954 khi sử dụng bazoka tiêu diệt một xe tăng của Pháp.

Dưới mỗi lớp đất đá này, có lẽ vẫn còn rất nhiều hài cốt của các anh. Với những người Điện Biên - sau 65 năm, họ trở thành những vị thần canh giữ cho ngọn đồi thiêng trên trận địa năm nào…


Người lính trong thời đại Hồ Chí Minh, không khắc lời nguyền lên cánh tay, nhưng đặt lời nguyền trong tim: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trải suốt 30 năm chiến tranh, họ đã thủy chung với lời thề ấy...

Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất đi hơn 4.000 người con ưu tú. Họ đến từ nhiều địa phương, nhiều dân tộc và đều còn rất trẻ. Sự hy sinh của họ như một bằng chứng đầy đau đớn nhưng cũng không kém phần kiêu hãnh cho lời thề quyết tử với non sông…

Tổng số liệt sĩ hy sinh trên đất Điện Biên trong xuân hè 1954 là 2800 người. Điện Biên có hai nghĩa trang. Nghĩa trang đồi Độc Lập và nghĩa trang Điện Biên. Trong nghĩa trang Điện Biên có 800 mộ thì đã có tới 640 ngôi mộ vô danh. Trong nắng vàng, những hàng bia trắng xếp hàng ngang, hàng dọc thẳng hang, tưởng như các anh đã hy sinh rồi vẫn đứng trong đội ngũ…

 

Nhật Tân
Theo Gia đình và Xã hội //