Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm cho 7 'hiệp sĩ' Tân Bình
Ngày 18/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định truy tặng và tặng Huân chương Dũng cảm cho 7 "hiệp sĩ" của Đội "hiệp sĩ" Tân Bình trong vụ vây bắt nhóm trộm xe SH .
Hiện trường xảy ra vụ trộm xe SH đâm các "hiệp sĩ" thương vong.
Theo đó, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm cho hai "hiệp sĩ" gồm: anh Nguyễn Văn Thôi (quê quán xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, Bình Định) và anh Nguyễn Hoàng Nam (quê huyện Trảng Bom, Đồng Nai); tặng Huân chương Dũng cảm cho 5 "hiệp sĩ" gồm các anh: Trần Văn Hoàng (quê quán Bình Định, tạm trú P.13, Q.Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (ngụ P.Tân Thành, Q.Tân Phú), Đinh Phú Quý (ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), Đinh Văn Tài (ngụ P.10, Q.Tân Bình) và Lê Văn Tuyên (quê xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa; tạm trú quận 1); vì đã có hành động dũng cảm trong quá trình phát hiện và tổ chức vây bắt các đối tượng trộm tài sản của công dân trên địa bàn TP.HCM.
Quyết định về việc truy tặng Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Trước đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến tận giường bệnh thăm hỏi, động viên và trao tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho hai "hiệp sĩ" Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy và tặng bằng khen cho "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng.
Trung ương Đoàn cũng đã truy tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam và truy tặng bằng khen cho "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi.
Như tin đã đưa, vào tối 13/5, nhóm "hiệp sĩ" Tân Bình gồm 7 người, do ông Trần Văn Hoàng làm trưởng nhóm, trong lúc vây bắt một nhóm đối tượng trộm xe SH trước một cửa hiệu thời trang trên đường Cách Mạng Tháng 8 (P.10, Q.3) thì bị các đối tượng dùng hung khí chống trả.
Hậu quả, hai "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, quê Trảng Bom, Đồng Nai) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) bị đâm tử vong. Ba "hiệp sĩ" bị thương gồm: Trần Văn Hoàng (trưởng nhóm "hiệp sĩ", ngụ Q.Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (24 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) và Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).
Vụ việc gây chấn động và xúc động mạnh đối với dư luận. Rất nhiều các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã đến thăm viếng, hỗ trợ các "hiệp sĩ" bị nạn; đồng thời đặt ra các yêu cầu cơ quan chức năng phải nghiên cứu, chuẩn hóa và trang bị các công cụ hỗ trợ, bảo vệ mình cho các "hiệp sĩ" khi đi bắt tội phạm trên đường phố.
Xem thêm: Vụ "hiệp sĩ" ở Sài Gòn: Nghi phạm đối diện hình phạt nào?