Chồng teo não, con tật nguyền, người vợ nghèo vất vả mưu sinh lo cho 5 miệng ăn
Chồng bị teo não nhập viện, con bị tật nguyền, người phụ nữ nghèo ở Mê Linh (Hà Nội) xoay sở đủ đường, làm việc quần quật để kiếm tiền chăm chồng, nuôi 3 đứa con thơ.
Lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, Mê Linh (Hà Nội), căn nhà của vợ chồng anh Phùng Văn Tâm và chị Trương Thị Hạnh (35 tuổi) cũ kỹ, nghèo khó với vài vật dụng đơn sơ. Tài sản lớn nhất trong nhà chỉ là chiếc tivi cũ được mua trả góp từ vài năm trước đó.
Căn nhà cũ kỹ với bức tường chưa trát gọn gàng, bộ bàn ghế gỗ mục nát.
Chồng teo não, con tật nguyền
Chồng đau ốm từ 7-8 năm nay, lại liên tục nhập viện cấp cứu, đứa con đầu tật nguyền cùng 5 miệng ăn trong nhà, một mình chị Hạnh phải cáng đáng, quán xuyến hết mọi việc lớn nhỏ. Vừa đi làm kiếm tiền, tăng ca để có thêm đồng ra đồng vào, chị vừa lo chuyện gia đình, giúp người chồng ốm yếu đảm nhận mọi công việc.
Lấy nhau từ năm 2002, hai anh chị có với nhau 3 mặt con. Thế nhưng trời không chiều lòng người, khi sinh bé đầu tiên vào năm 2002, vợ chồng anh Tâm chị Hạnh như quặn thắt lòng khi biết con không được lành lặn như những đứa trẻ khác mà mắc phải bệnh bại não. Mang bầu lần 2, vợ chồng trẻ lo lắng khi không biết, liệu khi chào đời, bé có giống như người anh đầu.
Ngày đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, anh chị thở phào nhẹ nhõm vì con gái lành lặn. Tuy nhiên, người con gái này của vợ chồng chị Hạnh cũng không được nhanh nhẹn như chúng bạn cùng trang lứa.
Đến bé trai thứ 3 đã khác hơn, lanh hơn 2 người anh chị của mình. Thế nhưng, số phận trêu đùa. Từ một người khỏe mạnh, anhTâm bỗng mắc bệnh liên tục. Vài năm sau đó, sức khỏe của anh Tâm ngày một yếu, không thể làm được việc và ở viện nhiều hơn ở nhà. Sau đó, cả nhà như chết lặng khi biết, anh Tâm mắc bệnh teo não.
Từ năm 2011 đến nay, 5 miệng ăn trong căn nhà tềnh toàng phụ thuộc vào người phụ nữ chân yếu tay mềm. Anh Tâm đau ốm triền miên chỉ ở nhà phụ vợ công việc nhỏ như quét dọn, nấu nướng. Nhiều hôm đau quá, người đàn ông này chỉ biết cắn răng chịu đựng, nhờ con nhỏ cắm hộ nồi cơm để bản thân nghỉ ngơi.
Từ việc là trụ cột trong gia đình trở thành người mất khả năng lao động, anh Tâm thấy khó chịu, bực tức trong người vì không giúp được vợ con mà lai thêm gánh nặng cho người vợ tảo tần.
Đứa con đầu tật nguyền, đứa con gái thứ 2 nghễnh ngãng và đứa bé thứ 3 (áo trắng) của gia đình anh Tâm, chị Hạnh.
Cách đây hơn nửa tháng trước, những cơn đau bất chợt lại đến dồn dập hành hạ buộc anh Tâm phải đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc) để điều trị. Kể từ đó đến giờ, anh Tâm vẫn chưa thế rời giường bệnh.
Bà Suất (68 tuổi, mẹ anh Tâm) nức nở: "Khổ lắm các cô chú ạ, ngày nào cũng lên viện chăm nó. Hôm trước đưa lên không hiểu sao nó như người điên, đánh rồi dúi tôi ngã xuống, nó không biết gì cả, cứ vung tay chân rồi đánh người khác. Bây giờ lên trông nó để cho vợ nó còn đi làm nếu không cả nhà chết đói".
"Chỉ cần chồng sống thôi, khổ bao nhiêu em chịu được"
Lấy nhau được hơn 15 năm, chưa từng tặng vợ một bông hoa hay nói câu tình cảm nhưng với chị Hạnh, anh Tâm là người chồng hiền lành, mẫu mực. Mặc dù sinh con tật nguyền, gia đình khốn khó nhưng cả hai luôn động viên nhau cố gắng.
Từ khi chồng mất khả năng lao động, một mình chị Hạnh phải tần tảo sớm hôm để kiếm thêm tiền cho chồng chạy chữa bệnh tật. Số tiền tích cóp được qua 2 lần mổ cho anh Tâm đều "bay sạch".
Hai tuần anh Tâm nhập viện khiến chị Hạnh càng vất vả hơn. Chỉ những ngày nghỉ chị mới có thể tranh thủ lên viện thăm chồng vì chị Hạnh không thể nghỉ việc. Có hôm ngộ độc thức ăn, người đàn bà nghèo không dám đi bệnh viện mà chỉ nhờ người trong làng đưa đi truyền nước rồi sáng hôm sau lại đi làm.
Chị Hạnh đang chăm sóc cho đứa con đầu tật nguyền đã 15 tuổi.
Nói về chồng, người phụ nữ nức nở: "Anh ấy nằm viện mà em không thể lên chăm sóc nghĩ cũng thương lắm. Thế nhưng, nếu nghỉ làm để lên với chồng, em bị đuổi việc rồi mấy đứa con biết sống bằng gì, rồi tiền điều trị cho anh ấy nữa. Cũng may mẹ chồng hiểu và đỡ đần chăm sóc chồng để em đi làm, em cũng yên tâm phần nào".
Nhắc tới căn bệnh teo não của anh Tâm, chị bật khóc, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhợt nhạt của người phụ nữ chân chất, thật thà. Chị nói, chị sợ một ngày nào đó khi đi làm về, không còn bóng dáng anh chờ đợi ở cửa, không còn tiếng gọi vợ chồng thân mật mà chị vẫn nghe suốt bao năm qua.
"Anh yếu, không làm việc cũng được, em sẽ thay anh làm trụ cột gia đình. Chỉ cần cứu được chồng thôi là đủ rồi. Vất vả cũng được, đi về thấy chồng ở đó là em vui rồi, còn con cái, em cố gắng lo cho chúng học hành thành người để không vất vả như em nữa. Bệnh của chồng rất hiểm nghèo, nếu chẳng may...", bỏ dở câu nói, chị Hạnh nước mắt nghẹn ngào..
Anh Tâm đang được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Chị Hạnh bật khóc khi nói về chồng con.
Hiện tại, gia đình anh Tâm, chị Hạnh đang rất khó khăn. Sự quan tâm giúp đỡ của cả cộng đồng xã hội vào lúc này sẽ góp phần giúp gia đình khốn khó này vượt qua nghịch cảnh. Chị Hạnh và đàn con nheo nhóc rất cần điều đó.