Cắt đôi mẫu test HIV tại BV Xanh Pôn gây xôn xao: Chuyên gia nêu quy trình xét nghiệm HIV chuẩn nhất
Sự việc cắt đôi mẫu test xét nghiệm HIV tại BV Đa khoa Xanh Pôn khiến dư luận xôn xao. Nhiều người đặt câu hỏi về quy trình xét nghiệm HIV chuẩn nhất được thực hiện ra sao?
Như tin đã đưa trước đó, ngày 9/12, thông tin về việc gian lận, cắt xén vật tư y tế trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, đã tạm đình chỉ công tác nhân viên liên quan.
Quy trình xét nghiệm HIV được thực hiện nghiêm ngặt qua mẫu test nhanh và các xét nghiệm chuyên sâu. Ảnh minh họa
Theo điều tra của VTV24, tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xảy ra tình trạng làm ăn gian dối, bớt xét trang thiết bị trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B.
Cụ thể, mỗi bệnh nhân đến đây xét nghiệm HIV và viêm gan B sẽ được test nhanh, lấy mẫu máu xét nghiệm mang đi phân tích. Quá trình test nhanh với mỗi que thử không được thực hiện đúng quy trình mà được những nhân viên tại khoa Vi sinh dùng kéo cắt làm 2 với vệt kéo đúng vào vị trí giữa của vạch hóa chất xét nghiệm. Chỉ với thao tác như trên, 1 que thử đáng lẽ chỉ được sử dụng cho một người nay “chẻ đôi” dùng cho 2 người nhưng bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ.
Chia sẻ về quy trình xét nghiệm HIV chuẩn nhất TS. Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ cụ thể. Theo công Hiền, test phát hiện nhiễm HIV là quá trình khám sàng lọc kháng thể virus có trong máu bệnh nhân. Sử dụng phương pháp khác nhau, chủ yếu test, kiểm tra mẫu máu bệnh nhân. Gồm 3 loại test với nguyên lý kháng nguyên để phát hiện ra những kháng thể đặc biệt
Cũng theo TS Phan Bá Hiền, trong xét nghiệm chẩn đoán HIV, có nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất là test nhanh thì độ nhạy rất cao nhưng độ đặc hiệu thấp. Tức là những trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV thì test nhanh có thể có phản ứng (nghi ngờ dương tính), tuy nhiên chưa thể khẳng định người đó đã nhiễm HIV. Bởi xét nghiệm này để sàng lọc chứ không khẳng định ai đó nhiễm HIV. Còn khẳng định thì phải ở các cấp độ xét nghiệm khác.
Theo quy định của Bộ Y tế, để chẩn đoán nhiễm HIV cho người từ 18 tháng tuổi trở lên, xét nghiệm cần làm là tìm kháng thể kháng HIV. Kháng thể này là những chất được hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra khi bị nhiễm HIV và phải có thời gian mới có thể phát hiện được. Khoảng thời gian này thường là từ 4-6 tuần đến 3 tháng sau khi nhiễm HIV, được gọi là giai đoạn cửa sổ.
Theo bác sĩ Hiền, nếu xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV được thực hiện sớm trong giai đoạn cửa sổ thì dù người đó đã bị nhiễm HIV nhưng kết quả vẫn có thể âm tính. Những trường hợp này, khi qua giai đoạn cửa sổ, kiểm tra lại sẽ có kết quả dương tính.
Vì thế, để chẩn đoán nhiễm HIV ở những người từ 18 tháng tuổi trở lên bằng xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV, Bộ Y tế quy định là phải có kết quả dương tính của cả 3 xét nghiệm trên cùng một mẫu máu. Phương pháp này sử dụng 3 loại sinh phẩm khác nhau, trong đó 1 loại sinh phẩm có độ nhạy cao và 2 loại sinh phẩm còn lại có độ đặc hiệu cao. Các phương pháp đó gồm: Test nhanh, xét nghiệm ag/ab elisa và xét nghiệm anti HIV elisa. Chỉ cần 1 trong 3 xét nghiệm đó âm tính thì không được khẳng định nhiễm HIV mà phải kiểm tra lại sau 14 ngày.
Xét nghiệm HIV có thể được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và các viện khu vực đã được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ có những cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV thì các kết quả xét nghiệm này mới được công nhận.
Cũng theo đánh giá của TS Phạm Bá Hiền, việc cắt đôi mẫu test nhanh HIV tại BV Đa khoa Xanh Pôn là chưa đúng với quy định và rất có thể sẽ cho kết quả mẫu thử thiếu chính xác.
Ở góc độ là chuyên gia chuyên về hóa sinh nhận xét việc cắt đôi mẫu test HIV đang gây xôn xao, PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: "Kết quả xét nghiệm có chính xác hay không thì phải tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất. Nhà sản xuất quy định 1 mẫu xét nghiệm sẽ dùng 1 que thử thì nên làm đúng như vậy.
Mọi sự cải tiến thì đều phải có cơ sở khoa học và kết quả. Nếu muốn cắt đôi que thử trong xét nghiệm thì trước đó phải có nghiên cứu và thực chứng bằng kết quả, để tránh việc chẩn đoán sai cho người bệnh.".