Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm
Tại Việt Nam, cơ quan chức năng đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm ở Bạc Liêu.
Cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm
Ngày 6/9, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong thời gian gần đây, tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người.
Tại Lào, cơ quan chức năng cũng ghi nhận cúm A/H5N1 trên gia cầm; cúm A/H5N6 trên gia cầm cũng xuất hiện tại Philippines.
Tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm ở Bạc Liêu. Các chủng virus cúm gia cầm như cúm A/H7N9; cúm A/H5N2; cúm A/H5N8 chưa có ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Cụ thể, để phòng chống dịch bệnh cúm A(H5N1) cũng như cúm A(H7N9), cúm A(H5N2), cúm A(H5N8) lây từ gia cầm sang người, người dân không được ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bài thuốc trị dứt điểm cảm cúm, đau họng mà không cần đến thuốc tây. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe