Cảnh báo 'căn bệnh thời đại' khiến gần 40.000 người Việt tự sát mỗi năm
Mỗi năm số người tự sát do trầm cảm từ 36.000-40.000 người. Thông tin này được các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia chia sẻ tại hội thảo "Vì ngày sức khoẻ thế giới".
Theo WHO, có khoảng 298 triệu người mắc trầm cảm trong năm 2010 (chiếm 4,3% dân số toàn cầu). Theo một nghiên cứu khác ở Mỹ năm 2014, có khoảng 17.6 nghìn người bị trầm cảm mỗi năm, nhưng có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Điều đáng báo động là có tới 48% những người trầm cảm có ý tưởng tự sát và 24% những người có toan tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.
Đề cập sâu về “căn bệnh thời đại” này, PGS, TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết trầm cảm là bệnh lý phức tạp với 13 thể khác nhau. Trong đó, nhiều thể giống bị chấn thương, nhiều thể tương tự bệnh nội khoa... nên cần hội chẩn nhiều lần mới tìm ra bệnh.
“Có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình mắc bệnh và không được điều trị. Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ” - PGS Cường băn khoăn.
30% người Việt bị rối loạn tâm thần, mỗi năm gần 40.000 người tự sát. Ảnh minh hoạ
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trong năm 2016, Viện khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân (chiếm 13,0%).
"Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Hội chứng này gặp tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp. Nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng với các bệnh lý thần kinh, tim mạch kèm theo như đột quỵ, Parkinson" - TS Nguyễn Doãn Phương cho biết.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện năm 2016 ở những người bệnh từ 45 tuổi bị trầm cảm, có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Đa số tự sát do người bệnh cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
Bệnh trầm cảm có thể nhận biết qua các dấu hiệu như: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; khó tập trung suy nghĩ, hay quên; luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì; cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng sống; mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; hay cáu gắt, giận dữ; giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; hay nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa,…
Việc điều trị trầm cảm gặp nhiều khó khăn do phần lớn người bệnh không biết mình bị mắc bệnh nên thường điều trị tại các chuyên khoa khác trước khi đến chuyên khoa tâm thần.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, người bệnh trầm cảm nên: cười thật nhiều tạo cảm giác thoải mái và vui vẻ; Giữ tinh thần luôn thoải mái thông qua các hoạt động mình yêu thích như: nghe nhạc, xem phim, đọc sách, shopping,…