Cẩn trọng với 'lò' luyện thi đánh giá năng lực

27-12-2024 10:56:43

Nắm bắt được lo lắng của thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2025 theo chương trình mới, nhiều khóa ôn luyện được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội...

Tiết học của học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM). Ảnh: M.A

Muôn hình vạn trạng

Chỉ cần một cú nhấp chuột liên quan đến từ khóa “luyện thi đánh giá năng lực” trên mạng Internet, các thí sinh sẽ dễ dàng tìm thấy hàng nghìn kết quả. Đặc biệt, trên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook về kỳ thi đánh giá năng lực, cứ vài tiếng lại có một bài viết ẩn danh hỏi địa chỉ luyện thi.

Dưới bài đăng, hàng loạt bình luận giới thiệu là nhân sự hoặc từng học ở những trung tâm và đạt kết quả tốt. Thí sinh chỉ cần phản hồi bình luận liền có người chủ động liên hệ giới thiệu các khóa học. Đa phần các nhóm, “trung tâm” ôn thi đánh giá năng lực trên nền tảng mạng xã hội được tổ chức theo hình thức học online, có các buổi thi thử.

Cụ thể, sau khi để lại thông tin liên hệ trên Facebook của một trung tâm, không lâu sau nhân viên gọi điện và tư vấn nhiệt tình. Theo nhân viên này, khóa luyện thi bao gồm 3 giai đoạn: Nền tảng, tổng ôn và luyện đề. Phần nền tảng là dạy kiến thức cơ bản lớp 12 có trong đề thi. Phần tổng ôn sẽ hệ thống kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12. Hai phần này do thí sinh chủ động học qua video.

Cuối tháng 12, trung tâm bắt đầu phần luyện đề qua hình thức trực tuyến (live stream). Thí sinh sẽ tương tác trực tuyến với giáo viên trong vòng 30 buổi, mỗi buổi kéo dài 90 - 120 phút.

Nhân viên này cho biết: “Nếu đã nắm chắc kiến thức lớp 12 nên chọn gói tăng tốc, gồm tổng ôn và luyện đề. Học phí gốc là 7,2 triệu đồng, nhưng do trung tâm có chương trình ưu đãi ngày vàng nên được giảm còn 4,3 triệu đồng. Hoặc em chọn gói toàn diện gồm 3 phần thì được giảm từ 11,5 triệu xuống còn 6,9 triệu đồng”.

Trong vai người học có nhu cầu đăng ký luyện thi, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại được người phụ trách một Fanpage với hơn 19.000 lượt theo dõi, cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 được Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức vào tháng 3/2025. Phục vụ kỳ thi này, lớp luyện thi đánh giá năng lực khai giảng từ 7/12.

Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, “trung tâm” vẫn có thể để học viên vào lớp này. Hình thức học online, nội dung khóa học đợt 1 gồm: 9 buổi thi thử và chữa bài chi tiết, tài liệu trọng tâm phần suy luận khoa học, sử dụng ngôn ngữ; 35 chuyên đề hệ thống kiến thức 7 môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; 10 chuyên đề hệ thống phần sử dụng ngôn ngữ; Logic, phân tích số liệu,…

Người này cũng cho biết, sau khi đăng ký xong, người học được hướng dẫn học lại từ đầu. Học phí là 850 nghìn đồng giảm xuống còn 779 nghìn đồng nếu đăng ký trước 26/12. Mỗi tuần học khoảng 3 - 4 tiếng, kết thúc khi thi xong đánh giá năng lực đợt 1.

Khi phóng viên hỏi địa chỉ đến để nộp tiền thì nhân viên này gửi số tài khoản của cá nhân đăng ký ở một phòng giao dịch tại tỉnh Bình Thuận. Người này cam kết không có chuyện lừa đảo và thông tin thêm “nhóm dạy online, không có văn phòng”.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024. Ảnh: T.T

Học tốt ở trường, rèn kỹ năng ở nhà

Cô Ngô Ngọc Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (TPHCM) cho biết, hằng năm, tất cả học sinh khối 12 của trường tham gia thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, bởi xác định đây là cơ hội lớn để vào đại học. Nhà trường cũng khuyến khích các em tham gia thi đánh giá năng lực, tổ chức xe đưa đón học sinh đến tham dự kỳ thi này.

“Do không có thời gian ôn luyện nên các thầy cô chỉ hướng dẫn học sinh tìm kiếm tài liệu, đề cương để tự ôn tập. Các năm trước, nhiều em đạt kết quả cao khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực.

Tất nhiên nhà trường cũng xác định, kỳ thi này không phải hướng đi duy nhất vào đại học, và một số trường đại học tốp đầu sẽ yêu cầu điểm tốt nghiệp THPT cao hoặc cần làm những bài thi khác. Do đó, thầy cô cũng khuyên học sinh cần cân bằng thời gian và độ quan trọng giữa cả hai kỳ thi”, cô Tuyết cho hay.

Tương tự, thầy Hồ Ngọc Đăng Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (TPHCM) cho biết, đa số học sinh của trường tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Gần ngày kỳ thi diễn ra, trường tổ chức những buổi dạy phương pháp làm bài theo từng môn, học sinh có nhu cầu có thể chủ động tham gia.

“Theo cấu trúc của đề thi minh họa, đề năm 2025 sẽ có câu hỏi mà kiến thức thuộc các môn thí sinh không học ở trường. Tuy nhiên, những câu hỏi đó dựa trên dữ liệu cho sẵn để suy luận logic chứ không nặng về chuyên môn. Do đó, học sinh học tốt ở trường và có kỹ năng sẽ làm bài tốt, không nhất thiết phải ôn luyện tại các trung tâm”, thầy Khoa nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, đơn vị không tổ chức khóa luyện thi hoặc bán tài liệu luyện thi dưới bất cứ hình thức nào. Thầy cô tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi cũng không tham gia bất cứ nhóm ôn luyện nào.

Đây là điều được cam kết và kiểm soát chặt chẽ. Hiện tại, chưa có hệ thống kiểm duyệt, thẩm định những nhóm ôn luyện này nên người học phải cảnh giác, tham khảo nhiều người để đưa ra lựa chọn phù hợp.

“Học sinh có một nguồn thông tin rất đáng tin cậy là thầy cô ở trường THPT. Đồng thời các em phải phối hợp, trao đổi với bạn bè để tìm ra cách học tốt nhất. Điều quan trọng là thí sinh phải tin tưởng vào bản thân, tránh tin vào một người hoặc một trung tâm mà cách dạy đôi khi không đúng định hướng ra đề”, TS Chính nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quốc Chính khuyên: “Thí sinh không nên tham gia các khóa ôn luyện mà chủ động học tập một cách khoa học. Bởi, bài thi nhằm đánh giá năng lực học đại học của thí sinh, gồm năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, toán học, tư duy logic, khoa học, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Những năng lực này không thể có trong một sớm, một chiều mà hình thành trong suốt quá trình học tập cấp THPT. Với mọi kiến thức ở trường, thí sinh phải đặt vấn đề về tính hệ thống, tìm tòi và hiểu sâu bản chất chứ không chỉ học thuộc lòng. Nếu rèn luyện điều này trong thời gian dài, thí sinh sẽ hình thành được thói quen học tập một cách khoa học”.

Hồ Phúc
Theo Giáo dục & Thời đại //