Cận cảnh khu vực nơi phượt thủ Thi An Kiện tử vong
Thi thể phượt thủ Thi An Kiện (24 tuổi, tử vong khi trekking tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng) nằm dưới nước của ngọn thác cao 30m. Hiện vẫn chưa thể đưa được thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường do địa hình quá phức tạp.
Hiện trường nơi tìm thấy thi thể phượt thủ Thi An Kiện. Ảnh Gia đình & Xã hội.
Ngày 22/5, Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường anh Thi An Kiện (24 tuổi, ngụ tại TP. HCM), phượt thủ tử vong khi trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do tai nạn. Gia đình nạn nhân yêu cầu không khám nghiệm pháp y nên cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể anh Kiện cho gia đình tổ chức đưa về lo hậu sự, theo Tri thức trực tuyến.
Các tình nguyện viên leo xuống thác tìm kiếm. Ảnh VOV.
Hiện trường Kiện tử vong là khu vực thác Lao Phào trong rừng Phan Dũng. Thi thể nằm dưới nước đang trong quá trình phân hủy, trương phình lớn nên có thể nạn nhân đã tử vong nhiều ngày trước.
Anh Mang Hiếu, Phó Công an xã Phan Dũng, người trực tiếp dẫn đường đưa đoàn vào khám nghiệm hiện trường, cho hay khu vực phượt thủ tử nạn rất hiểm trở. Từ xã Phan Dũng vào mất gần 2 giờ đi xe máy, sau đó tiếp tục đi bộ hơn một giờ mới đến nơi. Để tiếp cận thi thể còn phải leo 6 tầng thác cao và hiểm trở.
Nhóm tìm kiếm thi thể phượt thủ mất tích. Ảnh Tri thức trực tuyến.
Một lãnh đạo UBND xã Phan Dũng chia sẻ cho biết, khu vực thác Lao Phào nơi phát hiện thi thể của nạn nhân Kiện có địa hình rất hiểm trở, vực sâu nên việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn. Phải là dân bản địa hoặc dân leo núi chuyên nghiệp với các thiết bị giúp sức mới có thể thực hiện.
Theo vị lãnh đạo này, nơi được cho phát hiện xác nạn nhân nằm cách xa khu dân cư 12km và lực lượng chức năng phải di chuyển bằng đường bộ, vượt địa hình hiểm trở mới đến nơi.
Đường đi ra thác Lao Phào khó khăn, hiểm trở. Rất nhiều nhóm tìm kiếm không thể đi sâu vào bên trong. Ảnh Trí thức trẻ.
Tuy nhiên, Tà Năng - Phan Dũng là cung đường rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bởi tính chất địa hình đồi núi. Vào mùa khô, Tà Năng nhuốm màu cỏ cháy, đến con suối cũng yên ả, hiền hòa. Song vào mùa mưa, đường đi khó khăn hơn do trơn, trượt. Nếu mưa lớn, nước lũ có thể về rất nhanh nên người dẫn đoàn phải là người cực kỳ kinh nghiệm.
Khu vực các phượt thủ đi trekking. Ảnh VOV.
Tháng 10/2017, một nữ phượt thủ 20 tuổi bị nước lũ cuốn trôi khi đang vượt suối tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng.
Trước đó, Thi An Kiện và 6 người bạn tổ chức trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Ngày 11/5, nhóm xuất phát từ Tà Năng. Trưa hôm sau, cả nhóm ngồi nghỉ ở một ngã ba giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận thì phát hiện Kiện mất tích.
Bức ảnh cuối cùng Kiện tự chụp và gửi cho người thân trước khi mất tích. Ảnh Trí thức trẻ.
Mọi người tổ chức tìm kiếm bạn phượt nhưng không có kết quả. Sau đó, gia đình đã nhờ các nhóm phượt cùng chính quyền địa phương tham gia tìm kiếm. Hơn một tuần, cả trăm người cùng chó nghiệp vụ, flycam đã tìm Kiện tại Tà Năng và ngày 20/5 thì phát hiện thi thể Kiện.
Xem thêm: Bé trai 2 tháng tuổi tử vong bất thường sau khi tiêm thuốc tại Bệnh viện sản Nhi Bắc Ninh