Căn bệnh khiến cả mẹ và thai nhi có thể tử vong đột ngột, mẹ bầu nhất định phải biết điều này

13-03-2017 10:50:53

Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ ăn uống không cẩn thận dẫn đến tình trạng ngộ độc thai nghén hoặc huyết áp tăng đột ngột thì phải thật sự chú ý điều này.

Theo những chuyên gia sản khoa, sản giật ủ bệnh từ khi thai làm tổ. Sản phụ lên cơn co giật không được khống chế sẽ gây ra những biến chứng xuất huyết não, hôn mê dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân

Khi có thai, người mẹ có nhiều thay đổi trong cơ thể về các mặt thần kinh, thể dịch. Đặc biệt, các chất nội tiết tăng lên đột ngột, một số chất đạm ngoại lai từ thai sinh ra làm cho cơ thể người mẹ không thích ứng.

Các hiện tượng dị ứng này có thể xuất hiện sớm trong 3 tháng đầu, làm cho thai phụ có triệu chứng nghén (nôn và tiết nước bọt) nhưng cũng có thể xuất hiện vào tháng thứ 8 trở đi, biểu hiện bằng triệu chứng tăng huyết áp, phù, nước tiểu có albumin - đó là tình trạng nhiễm độc thai nghén của người mẹ. Nếu phát hiện sớm để điều trị, bệnh sẽ lui dần; nhưng nếu không được điều trị, bệnh sẽ tăng và gây biến chứng sản giật.

Sản giật còn là triệu chứng của các bệnh tăng huyết áp hay do bệnh thận mạn tính bị nặng lên khi có thai, thường gặp trong các trường hợp: Người trẻ, sinh con so; Người lao động nặng, mệt mỏi mà gần đến tháng sinh không được nghỉ ngơi; Thời tiết quá lạnh.

Sản giật ở bà bầu cực kỳ nguy hiểm

Dấu hiệu

Sản giật có thể xuất hiện trước khi sinh hoặc sau khi sinh, thường có các dấu hiệu báo trước: khó chịu, nhức đầu, hoa mắt, mệt mỏi, phù; tiểu ít, albumin niệu tăng rõ rệt; huyết áp tăng, có khi lên tới 200/170mmHg.

Nếu không điều trị kịp thời, sản phụ sẽ lên cơn sản giật với các biểu hiện: Cơn co giật xuất hiện đột ngột, bắt đầu ở cơ mặt, rồi đến hai tay và toàn thân. Các cơ hàm cứng lại nên sản phụ thường cắn vào lưỡi, tay chân co cứng, thân ưỡn ra sau, sùi bọt mép, ngừng thở, tím tái vì thiếu dưỡng khí. Sau vài phút co cứng tay chân, co giật từng cơn, sản phụ sẽ tiến tới hôn mê dần dần; nếu bệnh nặng thì hôn mê sâu và kéo dài, đại, tiểu tiện không tự chủ, thỉnh thoảng lại lên một cơn co giật và có thể tử vong. Nếu bệnh nhẹ, sản phụ sẽ tỉnh dần sau 5-10 phút.

Các giai đoạn sản giật:

Xâm nhiễm: Kéo dài 30-60 giây, biểu hiện bằng triệu chứng kích thích và co giật tại chỗ ở mặt, cổ, mắt, rồi lan xuống chi trên.

Giật cứng: Kéo dài khoảng 30 giây, biểu hiện bằng triệu chứng kích thích lan tỏa toàn thân, làm cho người ưỡn ra, hàm cứng, mắt trợn, miệng sùi bọt mép, cơ thanh quản co lại làm bệnh nhân ngạt thở, thiếu ôxy gây nên tím tái, bệnh nhân có thể tử vong ở giai đoạn này.

Giật giãn cách: Các cơ bắt đầu giãn ra trong chốc lát rồi lại tiếp theo cơn giật khác, làm cho tứ chi co duỗi, lưỡi thè ra, dễ gây tai biến cắn vào lưỡi.

Hôn mê: Có thể hôn mê sâu hoặc nông, kéo dài từ 5-7 phút đến 1-2 ngày. Tri giác mất, các cơ thắt bàng quang, hậu môn và đồng tử bị giãn ra. Sau đó, bệnh nhân tỉnh dần rồi tiếp tục có một cơn sản giật khác.

Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi lên cơn giật, làm bệnh nhân hôn mê sâu kéo dài và tử vong. Ngoài ra, trong những cơn giật nặng, sản phụ có thể tự cắn vào lưỡi làm chảy máu, máu có thể tràn vào thanh quản và phổi, gây chết vì ngạt thở.

Tử vong đột ngột do sản giật

Trả lời trên Tri thức trực tuyến, ThS.BS Nguyễn Hữu Trung, Bộ môn Sản, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết sản phụ có thể tử vong đột ngột do bị sản giật.

Theo bác sĩ Trung, sản giật là một trong năm tai biến sản khoa, rất nguy hiểm gây tử vong cao ở thai phụ. Phụ nữ mang thai nếu không thể đi khám thai định kỳ, thì hãy tìm cách đo huyết áp mỗi tháng một lần. Nếu huyết áp tăng trên 14/9 cm Hg, các bà mẹ hãy đi khám ngay nhé!

“Trong quá trình mang thai, nhất là sau 20 tuần (5 tháng), nếu thấy nhức đầu nhiều hay là chóng mặt, đau vùng trên rốn, thai phụ nên đi khám ngay”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.

Bác sĩ Trung trong ca phẫu thuật lấy thai. Ảnh: BSCC

Theo bác sĩ Trung, những người có yếu tố nguy cơ cao bị tiền sản giật, sản giật như là sinh con đầu lòng, béo phì,  hay khoảng cách giữa hai lần sinh quá lớn (trên 10 năm), đa thai, tiền sử bản thân bị tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, lupus ban đỏ, buồng trứng đa nang...

Ngoài ra, sản phụ cũng có thể tử vong do sản giật đi kèm các hội chứng HELLP (tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu), băng huyết sau sinh hay rối loạn đông máu...Tiền sản giật, sản giật xuất hiện từ 20 tuần trở đi. Tuy nhiên, thì thời gian ủ bệnh từ khi thai làm tổ. Sản phụ lên cơn sản giật nếu không được khống chế và dự phòng cơn giật, sẽ gây ra những biến chứng như xuất huyết não, các cơn co giật xảy ra liên tục dẫn đến hôn mê bệnh nhân sẽ tử vong.

Do đó, mà các sản phụ phải thường xuyên đi khám thai định kỳ để can thiệp dự phòng bệnh sớm hơn trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Sản giật xuất hiện ở 20 tuần hiếm nhưng vẫn có xảy ra.

Việc phát hiện các thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh dựa vào xét nghiệm các chất tạo mạch và kháng tạo mạch.

Nếu kết quả xét nghiệm có dấu hiệu bất thường hoặc là những thai phụ có nguy cơ cao như đã từng bị tiền sản giật trong lần mang thai trước, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc aspirin liều thấp 80-150 mg mỗi ngày.

Sản phụ chỉ nên dùng thuốc này từ tuần trước 16 trở đi và cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ, không nên tự ý sử dụng thuốc vì để tránh tác dụng phụ.

Theo bác sĩ Trung, từ năm 2013, Hiệp hội sản phụ Mỹ (ACOG) thông tin sản phụ sau khi sinh con được 1,5 tháng vẫn có thể bị sản giật. Vì vậy, các bà mẹ cần lưu ý dấu hiệu bất thường của cơ thể để thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời.

PV
Theo Đời sống Plus //