Cách ôn thi môn Tiếng Anh sao cho hiệu quả
Trong quá trình ôn tập môn tiếng Anh giai đoạn nước rút, học sinh nên cân đối thời gian để ôn tập, tạo tâm lý thoải mái để học cho hiệu quả.
Cô Lê Thị Tâm – giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh NVCC.
Đề thi thường là kiến thức tổng hợp
Theo chia sẻ cô Lê Thị Tâm – giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh): “Trong bộ môn Tiếng Anh, những nội dung ra trong đề thi thường là kiến thức tổng hợp, được tích hợp từ quá trình học tập lâu dài. Vì vậy để làm tốt được bài thi thi, học sinh cần có kiến thức nền vững chắc, trau dồi thêm vốn từ mới”.
Cô Tâm nói thêm, đối với những học sinh sử dụng môn Tiếng Anh để xét tốt nghiệp, các em nên tập trung nắm chắc kiến thức các chuyên đề ngữ pháp như: sự phối hợp giữa các thì, câu điều kiện, danh động từ hay động từ nguyên mẫu, đại từ quan hệ, các cấp so sánh, mạo từ an/a/the, giới từ, trật tự tính từ, liên từ, từ loại, câu trực tiếp gián tiếp, câu giao tiếp….
Đối với những thí sinh dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngoài những kiến thức cơ bản, bám sát chương trình học các em nên dành thời gian phát triển nâng cao về từ vựng và phần kiến thức đọc hiểu.
“Trong đề thi những năm gần đây thì tỉ lệ số điểm về từ vựng và đọc hiểu chiếm tỉ lệ khá cao. Ví dụ riêng ba bài đọc hiểu đã chiếm 4/10 điểm trong tổng điểm bài thi. Do vậy, học sinh cần tập trung luyện đọc hiểu vừa cải thiện kĩ năng làm bài đọc hiểu cho các em, vừa nâng cao kiến thức từ vựng góp phần giải quyết các câu hỏi phần đọc hiểu thi dễ dàng hơn”, cô Tâm lưu ý.
Cô Lê Thị Tâm cùng học trò.
Cách xử lý với câu khó trong đề thi
Thời điểm ôn thi nước rút, học sinh nên dành thời gian luyện đề, trong quá trình luyện đề giúp học sinh đánh giá, kiểm tra kiến thức cũng như cấu trúc ma trận đề thi, biết được đề thi thường tập trung cao ở phần nào, cấu trúc đề như thế nào để chú trọng cách học cho hiệu quả hơn cũng như có kĩ năng làm bài tốt hơn.
Học sinh cũng nên tham khảo các đề thi những năm gần đây để thấy được trọng tâm kiến thức được kiểm tra cũng như ma trận đề thi thường tập trung cao ở phần nào, cấu trúc đề như thế nào để chú trọng học có hiệu quả hơn.
Đối với những câu khó trong đề thi, học sinh nên đánh dấu lại, làm cuối cùng để tránh mất thời gian của các câu khá. “Mỗi câu hỏi đều chia đều điểm như câu dễ là 0,2đ/câu, do đó, học sinh nên làm chắc các câu dễ, câu khó mất nhiều thời gian trường hợp không nghĩ ra được đáp án, các em có thể vận dụng phương pháp loại trừ hoặc dựa vào các từ khoá gợi ý mà đề đưa ra”, cô Tâm nói.
Cô chia sẻ thêm, hiện nay trên mạng có rất nhiều trang luyện thi có chất lượng, có cả phần lời giải khá rõ ràng, giúp các em tự học rất tốt. Các em cũng có thể mua thêm sách tự học ở nhà, hoặc học nhóm với bạn bè để giải quyết vấn đề dễ dàng hơn.
Bên cạnh việc ôn luyện, học học sinh cũng nên dành thời gian ngủ đủ, tập thể dục để bản thân có tâm thế thoải mái nhất.
"Muốn tạo tâm thế tốt cho các em, trước hết giáo viên bộ môn cần trang bị cho các em kiến thức nền tảng cần thiết để các em tự tin vào phòng thi. Bên cạnh đó, phụ huynh và giáo viên nên chia sẻ, động viên khích lệ các em, không nên tạo áp lực cho học sinh để các em sức khỏe tốt, tâm lí thoải mái tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi”, cô Lê Thị Tâm – giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).