Cách điều trị viêm da dị ứng ở mặt dễ làm tại nhà

21-05-2020 11:26:55

Dị ứng da mặt thường xảy ra do dị ứng mỹ phẩm, thời tiết, môi trường, ăn phải thực phẩm kích ứng... Dưới đây là cách điều trị viêm da dị ứng ở mặt dễ làm tại nhà.


Cách điều trị viêm da dị ứng ở mặt dễ làm tại nhà. Ảnh minh họa

Da mặt bị dị ứng đặc trưng bởi tình trạng da đỏ, nổi sẩn, mụn viêm, đi kèm với triệu chứng ngứa, nóng rát và châm chích. Thông thường các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau 1 – 5 ngày chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên ở một số trường hợp cần thiết, bạn buộc phải can thiệp các biện pháp y tế.

Điều trị dị ứng da mặt phụ thuộc vào mức độ dị ứng. Với những trường hợp nhẹ, điều trị chủ yếu là loại trừ nguyên nhân gây bệnh và chăm sóc tại nhà. 

Ngược lại nếu dị ứng nặng, gây viêm và ngứa ngáy dữ dội, bạn cần sử dụng thuốc để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng.

Loại bỏ sản phẩm/ yếu tố gây dị ứng

Da mặt thường bị dị ứng do mỹ phẩm hoặc do một số yếu tố như côn trùng, nấm mốc, bụi bẩn, hóa chất,… Để tránh tình trạng dị ứng bùng phát và lan tỏa mạnh, bạn nên xác định nguyên nhân gây dị ứng và loại trừ yếu tố này.

Tiếp tục sử dụng mỹ phẩm và tiếp xúc với dị nguyên có thể khiến triệu chứng trên da chuyển biến xấu, gây tổn thương sâu và để lại thâm sẹo nặng nề.

Rửa mặt và chườm lạnh giúp làm dịu da

Sau khi da bùng phát các triệu chứng dị ứng, bạn nên rửa sạch da mặt để loại bỏ dị nguyên và loại bỏ bụi bẩn tích tụ trong nang lông. Sau đó nên sử dụng đá viên hoặc dùng bông thấm nước mát đắp trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng.

Biện pháp này giúp giảm nhanh tình trạng đỏ da, ngứa và viêm sưng đáng kể. Bên cạnh đó chườm lạnh ngay khi da bị dị ứng có thể giảm nguy cơ tổn thương da lan tỏa rộng.

Sử dụng gel nha đam tươi trị dị ứng da mặt tại nhà

Nha đam thường được sử dụng để dưỡng ẩm và làm dịu da. Ngoài ra do chứa hàm lượng polyphenol dồi dào, loại thảo dược này còn có tác dụng chống oxy hóa và ức chế một số vi khuẩn gây nhiễm trùng da thường gặp.

Bên cạnh đó, chất nhầy trong nha đam còn chứa các thành phần cần thiết cho da như axit amin, vitamin, khoáng chất và nước. 

Các thành phần này giúp duy trì độ ẩm cho da, làm dịu vùng da dị ứng và thúc đẩy tốc độ hồi phục các tế bào tổn thương. Do đó sử dụng gel nha đam có thể giảm nhanh các triệu chứng dị ứng da mặt như ngứa ngáy, khô ráp, bong tróc, nứt nẻ, viêm đỏ và nóng rát.

Cách thực hiện:

Rửa sạch 1 lá nha đam tươi, gọt bỏ vỏ và rửa sạch mủ
Dùng thìa cạo lớp gel nha đam trong suốt
Làm sạch vùng da mặt và thoa gel nha đam lên da
Để trong khoảng 10 phút và rửa lại bằng nước mát

Mặt nạ yến mạch giúp giảm ngứa da

Mặt nạ từ bột yến mạch có khả năng giảm ngứa và phục hồi da mặt bị dị ứng. Bởi nguyên liệu này có chứa hàm lượng vitamin B5 (axit pantothenic) dồi dào, có khả năng tăng tốc độ hồi phục, làm dịu da, giảm ngứa và tái tạo các tế bào hư tổn.

Bên cạnh đó, yến mạch còn chứa nhiều chất chống oxy hóa – trong đó phải kể đến avenanthramides. Hợp chất này có tác dụng chống viêm và giảm ngứa da nhanh chóng. 

Do đó nếu dị ứng da mặt gây ngứa và viêm nhiều, bạn có thể tận dụng bột yến mạch để làm giảm triệu chứng và phục hồi làn da tổn thương.

Cách trị dị ứng da mặt tại nhà với mật ong

Dùng mật ong giúp dưỡng ẩm, chống viêm và giảm ngứa da mặt do dị ứng. Ngoài ra với đặc tính kháng khuẩn mạnh, mật ong còn có tác dụng phòng ngừa mụn trứng cá và viêm nhiễm da.

Cách thực hiện:

Trộn đều 2 thìa mật ong với 1 ít nước cốt chanh
Làm sạch và thoa hỗn hợp lên da mặt
Để mặt nạ trong khoảng 15 phút và rửa lại với nước ấm
Lưu ý: Acid trong chanh có thể khiến da bị xót và rát, vì vậy bạn không nên áp dụng mặt nạ này khi da có vết thương hở, mụn mủ và lở loét.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //