Các cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ?
Những quy định mới về việc tổ chức các cuộc thi Hoa hậu được nhiều ủng hộ nhưng cũng diễn ra không ít tranh cãi.
Nghị định số 144/2020/NÐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (Nghị định 144) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, thay thế các nghị định trước đó về nghệ thuật biểu diễn, trong đó có bỏ quy định về việc không tiếp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm cũng như cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không bắt buộc xin phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn, không cần lọt Top 3 cuộc thi nhan sắc trong nước.
Những quy định mới tại Nghị định 144 theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận và các cơ quan quản lý địa phương, giới tổ chức sự kiện và văn nghệ sĩ với đa phần là ý kiến ủng hộ, nhưng cũng không ít tranh cãi.
Có ý kiến cho rằng, so với những cuộc thi trong nước, đấu trường quốc tế ngày càng hướng đến vẻ đẹp toàn diện hơn như nụ cười rạng rỡ với những đường nét hoàn hảo trên gương mặt hay body nuột nà, nóng bỏng nên thay đổi cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ là phù hợp theo xu hướng quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có khán giả cho rằng, chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ sẽ vô tình làm mất đi tính cạnh tranh công bằng giữa những cô gái sở hữu vẻ đẹp tự nhiên với người đẹp đã qua "dao kéo". Thêm vào đó là một số hệ lụy như lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ hay cổ súy cho vẻ đẹp nhân tạo.
Đặc biệt là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vốn từ xưa đến nay nổi tiếng với việc thắt chặt việc phẫu thuật thẩm mỹ, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của người con gái Việt. Nếu mở cửa để các thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ tham gia có thể mất phần nào độ tin tưởng của khán giả vào cuộc thi.
Không những thế, với tính “mở” của nghị định mới, nhiều công chúng lo lắng về tình trạng "mất giá" các cuộc thi, "loạn" danh xưng người đẹp. Nếu việc tổ chức dễ dàng, không giới hạn số lượng, thì có thể sẽ thêm cả chục cuộc thi với quy mô "ao làng", chỉ cần gắn với một địa danh hoặc hoạt động văn hóa, ngành nghề nào đó với các mục tiêu thực dụng gắn liền lợi ích của doanh nghiệp, đơn vị tổ chức.
Nghị định mới với nhiều nội dung mở cửa nhưng cũng là bài toán khó cho các cuộc thi Hoa hậu trong thời gian tới.