Các bảo vật vô giá tại Nhà thờ Đức Bà Paris ra sao sau vụ hỏa hoạn?

16-04-2019 15:59:19

Những người lính cứu hỏa, cảnh sát và tu sĩ đã bất chấp tính mạng để di dời các cổ vật lịch sử tới nơi an toàn trong vụ cháy tại Nhà thờ Đức Bà Paris.


Vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris được cho là đã gây thiệt hại khổng lồ (Ảnh: AP)

Tối 15/4 (giờ địa phương), một đám cháy dữ dội đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp. Lực lượng cứu hỏa Paris cho biết ngọn lửa bùng phát khoảng 18 giờ 50 phút ngày 15/4 (giờ địa phương) và cơ bản được khống chế từ khoảng 2 giờ sáng theo giờ Pháp, tức 7 giờ sáng 16/4 theo giờ Việt Nam. 

Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những đám cháy nhỏ bên trong nhà thờ, đặc biệt là phải bơm nước để làm nguội hiện trường trước nguy cơ một số vị trí có thể sụp đổ do nhiệt độ cao, đồng thời ngăn ngừa ngọn lửa bùng phát trở lại.

AFP dẫn lời các quan chức Pháp cho biết, hàng chục xe cứu hỏa và ít nhất 18 vòi chữa cháy áp suất cao đã được sử dụng để dập lửa ở công trình kiến trúc Gothic nổi tiếng ở Paris. Một số máy bay không người lái và robot cũng đã được huy động.

Phát ngôn viên của nhà thờ Andre Finot nói với các phóng viên rằng gần như mọi thứ bên trong gần như đã bị thiêu rụi và sẽ chẳng còn gì ngoài những khung hình trơ trọi bên trong. Ông Finot cho biết một số cấu trúc bằng gỗ từ thời trung cổ, điều kỳ diệu truyền cảm hứng cho hàng trăm triệu người tới thăm trong nhiều thế kỷ qua đã phá hủy, nhưng rất may các di vật tôn giáo linh thiêng nhất đã được bảo quản an toàn.

Phó thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire cho hay khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris vào tối 15/4, các thành viên của lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp đã nhanh chóng làm việc với các nhà chức trách địa phương để di dời những cổ vật vô giá bên trong nhà thờ tới nơi an toàn. Công tác di dời diễn ra khẩn trương trước nguy cơ đám cháy lan rộng.


Những cổ vật vô giá được nhanh chóng di dời

Tham gia “giải cứu” các cổ vật có những người lính cứu hỏa, cảnh sát và các tu sĩ. Họ đã bất chấp nguy hiểm tới tính mạng, chuyển các cổ vật mang ý nghĩa quan trọng về tôn giáo và lịch sử ra khỏi khu vực đám cháy.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đã gửi lời cảm ơn tới lực lượng cứu hộ vì đã nhanh chóng tạo thành “lá chắn sống” để bảo vệ những cổ vật “có một không hai”. Trong đó có vương miện gai của Chúa Jesus và một mảnh Thập giá đích thực (True Cross) - mảnh thánh giá nơi Chúa Jesus bị đóng đinh đã được cứu khỏi hỏa hoạn. Các thánh tích này được lấy từ Đế quốc Byzantine vào năm 1238, và được vua Louis IX mang đến Paris.


Vương miện gai, một trong những bảo vật tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã được đưa đến nơi an toàn (Ảnh: Reuters)

Trước đó, 16 bức tượng trang trí trên mái của nhà thờ Đức Bà đã được dỡ xuống vào tuần trước theo một dự án trùng tu, theo tờ Figaro.

Cụ thể, 12 bức tượng của các tông đồ và 4 bức tượng của các nhà truyền giáo vốn nằm trên mái nhà thờ trong hơn 150 năm đã được dỡ xuống vào tuần trước và gửi đi phục hồi. Theo dự án, các bức tượng sẽ được trả lại vào vị trí cũ trên nóc nhà thờ vào năm 2022.

Lính cứu hỏa cũng đã nỗ lực để bảo vệ phía sau tòa nhà "nơi đặt các bảo vật quý giá nhất", người đứng đầu cơ quan cứu hỏa Paris Jean-Claude Gallet nói. Ông cho hay, các bảo vật này được bảo vệ an toàn nhưng không nêu thông tin cụ thể.

Dù hiện tại các thiệt hại chưa được tính toán cụ thể nhưng với quy mô nghiêm trọng của vụ cháy, giới chuyên gia bảo tồn Pháp cho rằng việc phục hồi hoàn toàn Nhà thờ Paris như trước khi vụ cháy diễn ra sẽ phải diễn ra trong hàng chục năm trời, thậm chí nhiều hơn. Số tiền bỏ ra chắc chắn cũng sẽ là con số khổng lồ.


Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đã gửi lời cảm ơn tới lực lượng cứu hộ vì đã nhanh chóng tạo thành “lá chắn sống” để bảo vệ những cổ vật “có một không hai”​

Người đứng đầu cơ quan cứu hỏa Paris Jean-Claude Gallet cho hay, các bảo vật này được bảo vệ an toàn nhưng không nêu thông tin cụ thể.


Một chiếc đinh khi chúa Giê-su bị đóng đinh được giữ gìn tại Nhà thờ Đức Bà Paris (Ảnh: CNN)


Hình ảnh bên trong nhà thờ trước khi hỏa hoạn xảy ra (Ảnh: Itscarmen)


Giới chuyên gia bảo tồn Pháp cho rằng việc phục hồi hoàn toàn Nhà thờ Paris như trước khi vụ cháy diễn ra sẽ phải diễn ra trong hàng chục năm trời (Ảnh: Reuters).

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //