Cả nước còn 2 bệnh nhân tiên lượng rất nặng ở Hà Nội và Đà Nẵng
Trong hơn 300 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 20 cơ sở y tế, còn 2 bệnh nhân tiên lượng rất nặng ở Hà Nội và Đà Nẵng
Bản tin về tình hình dịch COVID-19 do Bộ Y tế phát đi lúc 6h ngày 18/3 cho biết, 12 giờ qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới, tổng số ca ở nước ta vẫn là 2.567.
Trong số này, có tổng cộng 1.599 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 906 ca.
Hiện cả nước có gần 37.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó có gần 500 người cách ly tập trung tại bệnh viện; Cách ly tập trung tại cơ sở khác là 17.396, số còn lại hơn 19.000 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tổng số người khỏi bệnh ở nước ta là 2.198. Nước ta cũng ghi nhận 35 ca tử vong, 4 ca tử vong sau khi âm tính từ 3-4 lần với SARS-CoV-2. Trong số hơn 300 bệnh nhân đang điều trị tại 20 cơ sở y tế có 37 ca chuyển âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 18 ca lần 2 và 63 ca lần 3.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết hiện Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là nơi có nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất với hơn 140 ca bệnh. Cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có hơn 70 ca bệnh, 18 cơ sở còn lại chủ yếu điều trị 1-7 ca bệnh, rải rác có nơi điều trị 15-19 bệnh nhân.
Hiện trong các bệnh nhân đang điều trị có 3 ca tiến triển nặng lên (2 ca ở Quảng Ninh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), 2 ca tiên lượng rất nặng (ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng).
Hai trường hợp bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là BN1823 và BN2348. Hai bệnh nhân này đều đã xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 4-5 lần tuy nhiên, do có các bệnh lý nền đi kèm nên vẫn được các cơ sở y tế chăm sóc đặc biệt.
BN1823, 65 tuổi (quê Mê Linh, Hà Nội), đã ngừng ECMO ngày thứ 4, thở máy ngày thứ 36. Tình hình huyết động và chức năng các cơ quan khác tạm ổn. Bệnh nhân tiếp tục duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, dùng an thần, giảm đau, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở.
BN1823 có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường 5 năm, nhập viện hôm 1/2. Đây là người đàn ông trong gia đình có 4 người mắc COVID-19 tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội, liên quan nguồn lây từ nhà máy Z153 ở Đông Anh.
Hiện bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 4 lần, lần gần nhất là ngày 15/3. Tuy nhiên, trong một số ngày gần đây bệnh nhân có tình trạng xuất huyết tiêu hoá.
BN2348, nữ 65 tuổi ở Chí Linh, Hải Dương, đã có 5 lần xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR. Đến nay, bà đã có 35 ngày điều trị, trong đó nằm trong phòng hồi sức 33 ngày. Tuy nhiên, chức năng phổi của bệnh nhân không cải thiện. Các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn liên quan đến COVID-19.
Với 2 trường hợp bệnh nhân COVID-19 này, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng - đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử cán bộ hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện phương pháp nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh đối với BN1823 và chuyên gia về miễn dịch, huyết học để xem xét căn nguyên của BN2348.
Đối với BN1536- đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - vốn là bệnh nhân được đánh giá nặng hơn cả bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh trong đợt dịch trước) đã có sự phục hồi kỳ diệu với sự nỗ lực của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng và các chuyên gia hàng đầu trong Tổ hội chẩn. Bệnh nhân này thoát tình trạng nguy kịch, liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ ngày 13/2- 11/3.
Do nằm viện điều trị từ 14/1 đến nay, rất lâu, bệnh nhân vẫn có tình trạng yếu cơ, còn huyết khối.