BOT Mỹ Lộc đưa vào sử dụng năm 2012 nhưng lại thu phí từ 2009

26-07-2018 12:03:45

Từ vụ việc giang hồ khoe 'của quý' ở BOT Mỹ Lộc Nam Định, nhiều bí mật tại BOT này cũng dần được tiết lộ.


 BOT Mỹ Lộc đưa vào sử dụng từ 2012 nhưng lại thu phí từ 2009​. Ảnh Tiền phong.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, hợp đồng Cty CP Tasco (chủ đầu tư) ký với tỉnh Nam Định, dự án BOT tránh Thành phố Nam Định (đoạn từ Thành phố Nam Định tới huyện Mỹ Lộc dài 3,9km, và tuyến nối từ Quốc lộ 21A với tuyến đường mới dài 550m) có tổng mức đầu tư 487 tỷ đồng, thu hồi vốn bằng trặm thu phí BOT Mỹ Lộc. 

Dự án được thu phí từ năm 2009 bằng trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 21A (đường cũ), nhưng tuyến đường BOT mới phải tới năm 2012 mới thông xe đưa vào sử dụng và thu phí bằng trạm BOT mới (trạm BOT Mỹ Lộc hiện hữu). Như vậy, trong thời gian thu phí này, các lái xe đã không được đi đường mới do nhà đầu tư làm, những vẫn phải trả phí để xây đường mới, theo báo Tiền phong. 

Lý giải về vấn đề trên, ông Trịnh Xuân Nam, Giám đốc Tasco 6 (đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Mỹ Lộc) cho biết, việc chủ đầu tư được quyền thu phí trước khi dự án đưa vào hoàn thành đã được Chính phủ đồng ý trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Nam Định. 

Theo đó, Tasco được sử dụng tiền thu phí từ trạm thu phí Mỹ Lộc trên tuyến Quốc lộ 21A để đầu tư đoạn tránh Thành phố Nam Định.

“Việc cho sử dụng tiền thu phí từ tuyến đường cũ để đầu tư đường mới giúp giảm tiền vay và thời gian vay ngân hàng, qua đó giảm lãi để không làm tăng tổng mức đầu tư dự án, giúp giảm thời gian thu phí”, ông Nam nói.

Dự án BOT đường tránh Nam Định có chiều dài 4,45km, trong đó có 3,9km tuyến chính và 550m đường nhánh nối từ đường chính sang QL21A. Đối với 3,9km tuyến chính (từ vòng xuyến Big C Nam Định đến trạm thu phí Mỹ Lộc), thời điểm UBND tỉnh Nam Định và  Công ty CP Tasco ký hợp đồng đầu tư (tháng 7/2008) đường được thiết kế mỗi chiều 2 làn đường rộng 7,75m (tương đương 2 làn xe mỗi bên), vỉa hè mỗi bên rộng 6m, dải phân cách giữa rộng 20,5m, An ninh thủ đô đưa tin.

Đến cuối năm 2010, đầu 2011 khi dự án BOT đang thực hiện rải cấp phối đá dăm thì tỉnh Nam Định nhận thấy đây là tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố, với thiết kế như hiện tại không đáp ứng được lưu lượng tăng lên rất nhanh nên cần phải mở rộng đường từ việc “xén” bớt giải phân cách giữa.

Sau đó tỉnh có dự án mở rộng mỗi bên thêm 1 làn đường rộng 5m từ việc xén dải phân cách giữa bằng vốn ngân sách. Sở dĩ tỉnh đầu tư bằng vốn ngân sách là vì không thể đầu tư bằng BOT. Dự án BOT Mỹ Lộc có thời gian thu phí hơn 17 năm, mức thu thấp nhất là 30.000 đồng/lượt.

Liên quan đến thắc mắc của người dân về việc Dự án BOT đường tránh Nam Định đưa vào sử dụng từ 2012 nhưng lại thu phí từ 2009 tại trạm BOT Mỹ Lộc cũ trên QL21A, đại diện Sở GTVT Nam Định cho rằng, trước đây QL21A có trạm thu phí Mỹ Lộc của Nhà nước. Sau khi Quỹ bảo trì đường bộ ra đời, các trạm thu phí này cũng được bỏ dần.

Tuy nhiên, sau khi có dự án BOT đường tránh Nam Định, Nhà nước cho phép chủ đầu tư tiếp tục thu phí tại trạm QL21A để hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh.

Đến năm 2012, sau khi dự án BOT hoàn thành đưa vào khai thác thì trạm thu phí cũ được chuyển sang đường tránh để tiếp tục thu hoàn vốn cho dự án.


Xem thêm: 
CSGT bị thu phí 100K khi đi qua BOT cấp bản​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //