Bộ Y tế yêu cầu tránh lạm dụng chỉ định khám chữa bệnh hậu Covid-19
Bộ Y tế chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các Bộ, ngành tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định khám chữa bệnh hậu Covid-19 không phù hợp, không cần thiết.
Bệnh nhân đang được bác sỹ tư vấn, sàng lọc hậu Covid-19 tại Viện Y dược học dân tộc, Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Theo thông tin trên báo Sức khoẻ & Đời sống, nhằm thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19 (hậu Covid-19) trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo công tác khám bệnh, chữa bệnh, khám hậu Covid-19 phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.
Khi khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu Covid-19 các cơ sở cần theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (Covid-19)...
Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh.
Về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.544.324 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.600 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.536.576 ca, trong đó có 9.076.448 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.537.814), TP. Hồ Chí Minh (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069).