Bộ trưởng Đào Ngọc Dung 'bật mí' gọi điện cho Viện trưởng VKSND Tối cao vụ Nguyễn Khắc Thủy
Khẳng định Bộ LĐ-TB-XH luôn lên tiếng mạnh mẽ đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em trước QH chiều 5-6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã "bật mí" việc ông gọi điện cho Viện trưởng VKSND Tối cao về vụ "yêu râu xanh" Nguyễn Khắc Thủy.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Ảnh: QUANG VINH/TTO
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung chiều nay 5-6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập đến một vấn đề nhức nhối là tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng trong khi các cơ quan chức năng chậm vào cuộc trong một số vụ việc nghiêm trọng.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đau xót nhắc đến vụ việc ở Cà Mau (bé gái 13 tuổi tự tử sau khi tố cáo nhiều lần bị hàng xóm xâm hại), nạn nhân nói không nghe, đến khi cháu tự tử mới thấy sai lầm. "Không nên để những câu chuyện như thế xảy ra.
Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách nhưng các gia đình nạn nhân tôi gặp đều thấy họ rất đơn độc", ĐB Nhưỡng nói và đề nghị Bộ LĐ-TB-XH có thái độ kiên quyết hơn để cùng các cơ quan khác vào cuộc, đồng thời yêu cầu sớm có câu trả lời cho vụ việc xảy ra với cháu bé ở Thủ Đức bị xâm hại.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về mặt khung pháp lý hiện nay cơ bản đảm đã bảo thống nhất, đồng bộ để bảo đảm quyền lợi trẻ em, nhưng thời gian qua có một số vụ việc kéo dài xử chưa nghiêm minh, nhiều vụ việc khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao rồi mới tiến hành. Từ thực tế này, Bộ trưởng đề nghị các cấp, ngành, cơ quan chức năng đánh giá thực chất hoạt động của mình thế nào.
Về phía Bộ LĐ-TB-XH đã luôn lên tiếng trước những vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là các vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng: "Vụ ông Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu, ngay khi kết thúc phiên toà, tôi gọi điện trực tiếp đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và Chánh án TAND tối cao nói rõ quan điểm không đồng tình với kết quả xét xử và đề nghị 2 cơ quan xem xét lại, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và ý kiến này đã được ghi nhận, thực hiện.
Đối với Vụ nghệ sĩ Minh Béo về nước sau khi bị xét xử vẫn tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật liên quan đến trẻ em, cá nhân tôi đã có ý kiến không chấp nhận..."
"Chia lửa" với Bộ trưởng LĐ-TB-XH, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết liên quan tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chỉ trong 6 tháng vừa qua đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ với 805 bị can, đã đưa ra xét xử 648 vụ với 690 bị can. Bảo vệ trẻ em hiệu quả phải đảm bảo từ khâu phòng ngừa, nhiều cơ quan có trách nhiệm nhưng cần có "nhạc trưởng" phối hợp nhịp nhàng.
Phát biểu trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình nói: "Mong muốn của ĐBQH cũng như của cử tri là làm sao không để xảy ra loại tội phạm này, cơ quan tố tụng thất nghiệp thì càng tốt. Nhưng đã xảy ra thì phải làm chỉn chu.
Chỉ trong 5 năm 2013-2017, TAND tối cao đã giải quyết 8.100 vụ việc tội phạm liên quan xâm hại tình dục trẻ em với 5 tội danh khác nhau. Trong đó hơn 93% vụ việc xét xử đúng người đúng tội, Trả hồ sơ 549 vụ (khoảng 6%). Mặc dù số vụ phải trả hồ sơ, huỷ, sửa không nhiều nhưng cũng gây bức xúc cho xã hội.
Đây là những vụ việc không khó khăn trong xét xử nhưng khó trong quá trình điều tra chứng cứ vì phần lớn là vụ việc truy xét không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện đã xa, gia đình và nạn nhân ngại khai báo, thậm chí che giấu, không hợp tác với cơ quan điều tra, có loại tội giám định là yêu cầu bắt buộc nhưng gia đình từ chối. Đó là do tâm lý xã hội".
Tuy nhiên, ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hoá), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH, cho rằng cơ quan tư pháp có cái khó trong tố tụng nhưng có những vụ việc chưa tích cực. Như vụ việc ở Cà Mau, Thủ tướng có ý kiến, dư luận lên án mới vào cuộc sau khi cháu bé tự tử.
Vụ án Nguyễn Khắc Thuỷ, phải có Chủ tịch nước có ý kiến, dư luận lên án mới xét xử. "Như vậy có phải chỉ khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao và dư luận lên án mới làm dứt điểm.
Còn những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao, cơ quan tư pháp phải làm rõ vấn đề này"- ĐB Lê Thị Nga nói và đề xuất cần phải có quy trình tố tụng trực tiếp đối với loại tội phạm xâm hại tình dục để khắc phục những hạn chế nêu trên.
Xem thêm: Bố mẹ hãi hùng khi nghe con kể về chuyện bị thầy giáo dở trò đồi bại