Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiếp tục đảm bảo "tiêm tới đâu an toàn tới đó" khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 3
"Việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Từ ngày 8/3, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội… theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ.
Đến hết ngày 13/5, cả nước đã có 959.182 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho các đối tượng, đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả. Các địa phương, đơn vị đang khẩn trương triển khai tiêm và phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/5 theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế, đảm bảo không bỏ phí bất cứ liều vaccine nào.
Ngày 16/5 tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682.400 liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đợt 2 do COVAX Facility tài trợ để triển khai tiêm trên toàn quốc.
Tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm phòng COVID-19 đợt 3, rà soát tất cả các điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.
"Việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (TCMR) - cho hay chương trìnhTCMR sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm phòng COVID-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Song song với đó, các địa phương sơ kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 để chuẩn bị cho triển khai cho đợt 2.
"Chúng tôi đặc biệt lưu ý các địa phương phải tổ chức tiêm chủng an toàn và phòng lây nhiễm COVID-19 tại các điểm tiêm chủng theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và Chương trình TCMR Quốc gia", PGS Hồng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các địa phương sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa vừa phòng chống dịch vừa tổ chức tiêm vaccine COVID-19 với quyết tâm cao sớm đạt được độ bao phủ 2 mũi vaccine cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
"Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới", GS Lân khẳng định.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí (cost share).
Các nguồn vaccine khác của Moderna, Johnson&Johnson và của các quốc gia như Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine để phục vụ người dân.