Bỏ thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam: Tiến bộ hay thiếu thực tế?
Mới đây, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) - ông Lê Minh Tuấn cho biết, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ lấy ý kiến về việc có nên bỏ phần bikini tại cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam.
Các người đẹp trong phần thi bikini - Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014
Ý tưởng của việc này xuất phát từ thông tin, cuộc thi Hoa hậu Mỹ 2019 sẽ bỏ phần thi bikini. Theo ông Tuấn, “Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ thấy phần thi bikini cho tới thời điểm này không cần thiết nữa. Họ muốn hướng cuộc thi vào việc đánh giá trí tuệ của thí sinh. Đó cũng là một yếu tố tích cực”.
Với quan điểm trên, ngay từ thời điểm này khi xây dựng dự thảo nghị định quy định quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn (trong đó có hoạt động tổ chức các cuộc thi sắc đẹp) thay thế cho các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (gồm Nghị định 79 và Nghị định 15 sửa đổi bổ sung một số điều cho Nghị định 79), thì Ban soạn thảo đã dự định đưa vào dự thảo quy định bỏ phần thi bikini mà thay thế bằng một trang phục phù hợp khác.
Đương kim hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh trong phần thi bikini
Ông Lê Minh Tuấn tiết lộ, tại Hội nghị vào ngày 22/6 tới đây tại Huế, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng sẽ lấy ý kiến về việc có nên đổi phần thi trang phục bikini bằng phần thi trang phục khác, ví dụ như trang phục thể thao.
Việc thể chế hóa các cuộc thi sắc đẹp đưa vào văn bản pháp luật là một bước tiến vượt bậc về tư duy của các nhà quản lý. Điều này tối quan trọng nhằm đóng khung cho các cuộc thi có một sự nhất quán xuyên suốt để đảm bảo các cuộc thi diễn ra công bằng mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa, nêu bật được nét đẹp trong mỗi cuộc thi.
Tuy nhiên, thời điểm để bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp hiện nay đã phù hợp hay chưa thì cần phải xem xét lại.
Năm 1988, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần đầu được tổ chức. Cho đến nay, sau 30 năm, phần thi bikini (còn gọi là phần thi áo tắm) vẫn đóng đinh vào các cuộc thi sắc đẹp như là một nội dung không thể thiếu.
Người đẹp Thanh Tú - Top 5 Hoa hậu Việt Nam 2014
Hơn nữa, hiện nay hầu hết các cuộc thi hoa hậu trên thế giới vẫn đang giữ nguyên phần thi này. Thử hỏi, nếu một đại diện của Việt Nam đi dự thi nhan sắc quốc tế, họ sẽ thi phần thi này ra sao. Liệu thí sinh của chúng ta có đủ tự tin để sải bước trước bè bạn năm châu hay không khi mà chưa một lần thi thố trước công chúng nước nhà.
Đã bao năm chúng ta “mang chuông đi đánh xứ người” mà chưa có thí sinh nào được đứng lên bục cao nhất các cuộc thi tầm cỡ khu vực và thế giới. Nay lại không được “thi thử” tại nhà thì sao mà có kết quả tốt được. “Văn ôn võ luyện” thì mới thành công - huống chi các thí sinh Việt Nam lại hay bị “khớp”, tâm lý kém mỗi khi ra sân chơi lớn.
Như vậy để thấy, việc bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp tại nước ta hiện nay là không đúng thời điểm, thiếu thực tế.
Những năm gần đây, ở nước ta liên tiếp xuất hiện hàng chục cuộc thi sắc đẹp với nhiều tên gọi khác nhau: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu biển, Hoa hậu đại dương, Hoa hậu bản sắc Việt, Hoa hậu các dân tộc... khiến công chúng nhàm chán. Bản thân những danh hiệu hoa hậu cũng bị "mất giá", không còn được coi trọng như trước.
Phần thi bikini - hoa hậu Việt Nam 2016 (khu vực phía nam)
Việc tổ chức tràn lan các cuộc thi Hoa hậu khiến công chúng chẳng nhớ được hoa hậu tên gì, đăng quang năm nào. Không những vậy, nhiều thí sinh dự thi cũng chỉ nhằm tạo sự nổi tiếng, qua đó tăng thu nhập cho bản thân bằng các hợp đồng quảng cáo, mà bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích, khiến nhiều cuộc thi bị dư luận ném đá, nhiều hoa hậu bị phản ứng dữ dội.
Uy tín của một số ban tổ chức cuộc thi cũng rất kém khi mà các chiêu trò PR tỏ rõ sự lố bịch, kết quả cuộc thi thì như được sắp đặt theo kịch bản từ trước.
Do vậy, việc thể chế hóa các cuộc thi sắc đẹp để siết chặt hơn nữa chất lượng các cuộc thi là việc làm cần thiết, thể hiện sự tiến bộ đáng kể của cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây chính là Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL).
Nhưng trước khi nghĩ đến việc thay đổi một nội dung thi nào đó như bỏ phần thi trang phục áo tắm, thiết nghĩ, các nhà quản lý hãy nghĩ cách “cắt giảm”, “tinh gọn” các cuộc thi hoa hậu, người đẹp trước.
Tiếp đến là ban hành các chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến các đơn vị tổ chức cuộc thi kém chất lượng, phản cảm, dung tục, không phù hợp với văn hóa, thẩm mĩ và thiếu minh bạch trước thì sẽ phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.
Xem thêm Clip: Loạt ảnh khiến fans khẳng định Hoa hậu Kỳ Duyên đã dao kéo gò bồng đảo