Bộ GTVT "thả tay" với các trạm BOT?
Vấn đề chung của nhiều trạm BOT giao thông cả nước - là gây tranh cãi, mâu thuẫn lợi ích - đã tái hiện tại trạm Mỹ Lộc (Nam Định) và Tân Đệ (Thái Bình) mấy ngày qua.
Đồ hình dự án BOT Mỹ Lộc (Ảnh khai thác lại)
Năm 2009, dự án xây dựng tuyến đường Quốc lộ (QL) 21B nối TP Nam Định đến TP Phủ Lý (Hà Nam) dài 25,1 km được khởi công. Trong tổng chiều dài của tuyến có 3,9 km do Công ty Cổ phần TASCO đầu tư theo hình thức BOT.
Một năm sau, chính quyền tỉnh Nam Định đầu tư mở rộng làn đường nói trên, mỗi bên thêm 5 m, vốn từ ngân sách địa phương, còn đất thì lấy từ diện tích dải phân cách. Khi Nam Định mở thầu, TASCO trúng thầu luôn phần dự án này.
Thế là bất đồng đã xảy ra, giữa chủ phương tiện (ôtô, xe tải) và chủ đầu tư khi trạm Mỹ Lộc được đưa vào khai thác. Rất nhiều tài xế không chịu trả tiền khi đi qua trạm, cho rằng phần dự án mà TASCO đang thu tiền là do ngân sách nhà nước đầu tư.
Sáng 26-7, đoạn qua trạm BOT Mỹ Lộc tắc cả hai đầu do tài xế đừng xe phản đối, không mua vé qua trạm vì lý do nói trên; đồng thời cho rằng mức phí quá cao. Căng thẳng dần dần được đẩy lên cao trào.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định - nói ông không ủng hộ ý kiến của nhiều tài xế, vì "tuyến đường hoàn thành không chỉ có làn đường mà còn có các công trình phụ trợ (…). Nếu không có việc mở rộng thêm làn đường, thu hẹp giải phân cách thì theo hợp đồng, nhà đầu tư vẫn có quyền thu phí để thu hồi vốn đầu tư làm tuyến đường BOT".
Đại diện tỉnh Nam Định cho biết sắp tới sẽ đàm phán với TASCO theo hướng giảm mức thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc để bảo đảm quyền lợi cả người dân và nhà đầu tư.
Trước đó, một dự án BOT khác, cũng của TASCO, đã gây "sóng gió". Đó là trạm BOT Tân Đệ ở trị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Đây là dự cải tạo, nâng cấp QL 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ theo hình thức BOT. Năm 2016, hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT ký với TASCO được cho phép bổ sung thêm hạng mục quan trọng: Làm thêm tuyến tránh QL10 qua thị trấn Đông Hưng và sử dụng trạm thu phí cầu Tân Đệ để thu phí hoàn vốn. Thời gian thu phí hoàn vốn tại trạm Tân Đệ là thời gian hoàn vốn cho toàn bộ dự án, dự kiến 11 năm 9 tháng (từ tháng 4-2009 đến tháng 1-2021).
Lý do là QL10 đoạn qua thị trấn Đông Hưng quá đông xe, đường chật, trong khi nguồn vốn ngân sách khó khăn không thể bố trí đầu tư nên lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề xuất làm thêm tuyến tránh.
Nay, hạng mục tuyến tránh Đông Hưng hoàn thành, nghiệm thu và TASCO đưa vào khai thác thì "sinh sự"!
Người ta nói họ không đi tuyến tránh Đông Hưng mà phải đóng phí qua trạm Tân Đệ là vô lý, đồng thời cho rằng thời hạn thu phí đã hết.
Bộ GTVT đã bác bỏ những thông tin nói trên, đưa ra những chứng lý để khẳng định việc thu phí qua trạm BOT Tân Đệ là có cơ sở.
Nhưng Bộ GTVT nói là chuyện của bộ, người sử dụng dịch vụ chưa chịu nghe. Và họ lại cố tình dừng xe, tranh cãi. Đã xảy ra tình huống rất phản cảm, được người đi đường ghi hình lại: một thanh niên xăm trổ hăm dọa những tài xế phản đối trạm Tân Đệ, thậm chí anh ta còn móc "của quý" ra để làm nhục người đi đường (!).
Rõ ràng là tình trạng lộn xộn và rất phản cảm đó không nên có nhưng nó đã xảy ra, qua đó cho thấy sự lúng túng của Bộ GTVT và chính quyền các địa phương liên quan. Toàn bộ câu chuyện của trạm Tân Đệ và một phần câu chuyện của trạm Mỹ Lộc cùng mang "dáng dấp" trường hợp BOT Cai Lậy (Tiền Giang) mà Chính phủ đã cho tạm dừng hoạt động từ tháng 12-2017 đến nay.
Cốt lõi của vấn đề là dàn xếp cho được câu trả lời trước sự chất vấn của người đi đường: "Chúng tôi không sử dụng tuyến tránh mà sao đóng phí?". Đến giờ, chưa ai trả lời thuyết phục được. Ngay cả cách giải thích "do nhà đầu tư đã bỏ vốn làm các hạng mục khác rồi" cũng chưa ổn, bởi đã bị vặn lại: "Những hạng mục ấy phải do ngân sách bỏ ra, vì chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi!".
Hành vi vô lối của những người đi đường tất bị lên án. Song cách giải quyết vấn đề của Bộ GTVT cũng chậm và thụ động. Ví như trạm Tân Đệ, khi người ta bảo đã hết hạn thu phí thì mới trưng ra tài liệu chứng minh là còn. Tại sao không thông báo rộng rãi trước đó?
Trường hợp của Tân Đệ, Mỹ Lộc cũng như hàng chục BOT giao thông khác đòi hỏi Bộ GTVT - nếu trong sáng, vô tư - thì hãy công khai hợp đồng BOT đã ký với các chủ đầu tư ngay từ đầu.
Và chẳng lẽ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT mà Bộ GTVT cứ để tình hình BOT cứ như vậy hoài sao?
Xem thêm: CSGT bị thu phí 100K khi đi qua BOT cấp bản