Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nhiều sai phạm trong đào tạo và tuyển sinh của ĐH Tôn Đức Thắng

26-10-2022 17:39:44

Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận ĐH Tôn Đức Thắng có nhiều sai phạm: 70% công bố quốc tế là người ngoài trường, không đủ điều kiện mở ngành mới, tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Theo báo Giáo dục và Thời đại, kết luận kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ; tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại ĐH Tôn Đức Thắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trường này có nhiều hạn chế, sai phạm trong công bố quốc tế, tuyển sinh, đào tạo.

Tác giả 70% công bố quốc tế là người ngoài trường

Theo kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2019-2020, trường có biểu hiện "nôn nóng" trong việc công bố quốc tế, không dựa trên định hướng thế mạnh thực tế của trường. Số lượng công bố quốc tế không dựa vào tiềm lực sẵn có của trường, mà chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm (trong nước và nước ngoài) ngoài trường.

Trong số công bố quốc tế của trường, tác giả là người nước ngoài và cán bộ kiêm nhiệm là người trong nước rất cao, chiếm tới 70% tổng số công bố quốc tế của trường trong giai đoạn 2019-2021.

Kinh phí cho công bố quốc tế năm 2019, 2020 của trường chiếm tỉ lệ 10- 14% nguồn thu từ học phí là không phù hợp với Nghị định 99/2014 ngày 25/10/2014 của Chính phủ.Ngoài các vấn đề nói trên, trường ký hợp đồng với các nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác trong nghiên cứu khoa học có nhiều nội dung không phù hợp.

Sai phạm trong mở ngành mới, tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Không chỉ hoạt động khoa học công nghệ, công tác mở ngành, tuyển sinh và đào tạo của trường cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định có nhiều sai phạm.

Đối với việc mở ngành mới, trường ký hợp đồng thỉnh giảng hoặc hợp đồng ngắn hạn với giảng viên người nước ngoài (chủ trì mở ngành) là không đúng quy định. Trường tổ chức tuyển sinh và hoạt động đào tạo tại cơ sở Bảo Lộc và Nha Trang khi chưa được cấp phép hoạt động đào tạo.

Về duy trì các điều kiện mở ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ: một số ngành không có giảng viên cơ hữu là giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì ngành đào tạo. 

Một số ngành có chủ trì ngành là giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài. Một số ngành có chủ trì ngành là người đã nghỉ hưu, và có ngành không đủ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ ngành phù hợp.

Trường liên kết đào tạo tiến sĩ theo hình thức sandwich, bán thời gian với nước ngoài khi chưa mở ngành đào tạo tiến sĩ. Nhiều khối ngành bậc đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu rất nhiều. 

Đáng chú ý là năm 2021 trường không tuyển sinh được ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Đề nghị xử phạt hành chính

Trên cơ sở kết luận này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ĐH Tôn Đức Thắng rà soát, hoàn thiện quy định về hoạt động khoa học và công nghệ của trường phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Bố trí kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ (trong đó có kinh phí chi cho công bố quốc tế) hợp lý, đảm bảo cân đối với nguồn thu của trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Rà soát, dừng ký kết hợp đồng đối với cán bộ không thực hiện hợp tác nghiên cứu, hướng dẫn học viên sau đại học, tham gia hoạt động chuyên môn của trường. Có kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm việc nợ kinh phí công bố quốc tế với các tác giả đã ký kết hợp đồng trong giai đoạn 2019-2021 theo đúng quy định pháp luật.

Không liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ và không tổ chức đào tạo tại những địa điểm chưa được cấp phép hoạt động đào tạo.

Đối với các nội dung: tuyển sinh, tổ chức đào tạo tại phân hiệu Khánh Hòa và cơ sở Bảo Lộc, không đảm bảo duy trì đội ngũ giảng viên cơ hữu để mở một số ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ theo quy định, đoàn kiểm tra chuyển thanh tra bộ xem xét, quyết định xử phạt hành chính ĐH Tôn Đức Thắng theo quy định hiện hành.

Hồng Nhung
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //