Bố cậu bé 14 tháng tuổi "bám trụ vỉa hè": Tôi cảm thấy xấu hổ khi chưa bao giờ mua cho con được 1 hộp sữa bột
Dù ngày nắng gắt hay mưa dầm, cậu bé Quốc Đạt (14 tháng tuổi) luôn theo bố mẹ bám trụ vỉa hè buôn bán kiếm sống, khi mệt bé được đặt lên chiếc chiếu chải bên lề đường rồi ngủ ngon lành.
Cậu bé "ăn ngủ vỉa hè", cùng cha mẹ mưu sinh
Giữa cái nắng hè oi ả đầu mùa, cậu bé Quốc Đạt (14 tháng tuổi) vẫn đang ngủ ngon lành trên chiếc "giường" được dựng lên từ hai chiếc bàn nhựa, chiếc chiếu cũ kỹ được đặt trong góc nhỏ bên lề đường trước cổng tổ dân số 27, ngõ 41 Đông Tác, Hà NộI. Đây là nơi sinh hoạt, vui chơi, ăn uống của bé Đạt từ khi mới được 7 tháng tuổi để bố mẹ bán hàng mưu sinh qua ngày tháng.
Bé Đạt ngủ ngon lành trên chiếc "giường" ở một góc lề đường.
Nhắc tới vợ chồng anh Huế (sn 1973), chị Tuyết (sn 1979), người dân ở khu dân cư số 27 đều lắc đầu ngao ngán bởi hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền thuê trọ, trả tiền điện nước... Tháng này bù tháng kia, phải chật vật lắm anh chị mới có thể trụ vững ở đất thủ đô đắt đỏ.
Lấy nhau từ năm 2006 và có với nhau 2 mặt con, cuộc sống của anh Huế chị Tuyết đều phụ thuộc vào đồng tiền cắt tóc, chạy xe ôm, bán cháo... mà hai vợ chồng vất vả lắm mới chắt chiu được. Kể từ khi sinh bé Đạt (2016), hai vợ chồng quần quật ngày đêm nhưng cũng không đủ để cho bé có một hộp sữa bột ăn thêm. Mỗi ngày trừ hết chi phí, anh chị cũng chỉ được hơn 200.000 đồng để lo tiền học, tiền sinh hoạt, ăn uống.
"Xấu hổ lắm cô, làm bố mẹ sinh con ra mà để con phải khổ sở cùng bố mẹ, tôi đau lắm. Trộm vía từ khi sinh ra, cu Đạt ngoan ngoãn, lớn lên khỏe mạnh. 14 tháng tuổi nhưng con chưa được uống giọt sữa ngoài nào để tẩm bổ, người ta có đầy đủ chất cho con, nấu bột ăn dặm theo khoa học nhưng nhà tôi làm gì có. Cháo trắng mẹ nó nấu bán cũng là thức ăn luôn, hôm nào có ít rau ngót thì tôi hòa vào, nghĩ mà tủi", anh Huế tâm sự.
Trộm vía cu Đạt ngoan, nghe lời để bố mẹ bán hàng.
Anh cho biết, khi bé Đạt được 6 - 7 tháng tuổi, gia đình không có người trông nom cũng không đủ tiền cho con đi nhà trẻ nên đành phải theo bố mẹ phơi sương phơi nắng. Những ngày trời mưa hay nắng gắt, bé đều được bố mẹ cho chơi loanh quanh trước cổng khu tập thể, căng thêm vài tấm bạt để tránh mưa to hắt vào. Chiếc màn chụp che muỗi được người dân cho đã rách tơi tả nhưng cũng đủ để cu Đạt được giấc ngủ ngon lành giữa góc lề đường bon chen, ồn ã.
Không dám nghĩ đến tương lai...
Theo những gì người đàn ông khắc khổ này kể lại, có lẽ vì thương bố mẹ vất vả nên dù dậy lúc 5h sáng để ra quán và về nhà khi đã gần 10h tối, bé Đạt vẫn ngoan mà không hề quấy khóc hay vòi vĩnh. Nhiều người dân xung quanh cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh cậu nhóc ngồi chơi một mình, cứ có cái bánh, quả cam là ai cũng dành phần. Chỉ khi nào muốn đói hay muốn ngủ, bé mới đòi mẹ bế, lúc đó, anh Huế lại tranh thủ làm việc thay vợ, cứ liên tục liên tục không ngừng nghỉ.
Bà con ở tổ dân phố thi thoảng ra chơi với cậu bé đáng yêu.
Cuộc sống phụ thuộc vào số tiền bán cháo, cắt tóc nên dù mưa giông, anh chị vẫn phải dọn hàng để kiếm đồng ra đồng vào. Chị Tuyết cho biết, nhiều hôm con khó chịu, ốm trong người, muốn cho con ở nhà để chăm sóc nhưng chỉ cần nghỉ 1 buổi, gia đình sẽ không có tiền trang trải.
"Có mẹ nào muốn lôi con ra đường nắng nóng để mưu sinh đâu, nhưng giờ ở nhà không ai trông, ra ngoài này may được mọi người giúp đỡ, có hôm đông khách, tôi không lo cho con được thì các bác ở đây lo hộ cho rồi", chị Tuyết tâm sự.
Có lẽ biết bố mẹ vất vả nên cu Đạt ngoan, không quấy khóc, có gì ăn đó.
Chú Huy (người dân khu tập thể) cho biết, gia đình anh Huế, chị Tuyết đến đây sinh sống và làm ăn được hơn 20 năm. "Nhà nó nghèo lắm, ở đây ai cũng thương. Thằng bé được cái dễ nuôi nên tôi thường nghịch với nó, lúc người này khi người khác. Nhà tôi cũng cho 2 vợ chồng nó thuê mấy cái dịch vụ, chỉ lấy vài đồng tiền điện nước nhưng hơn 1 tháng rồi cũng chưa thấy nói gì, tôi cũng không nói, khi nào có nó đưa chứ đòi làm gì của chúng nó mấy đồng, hoàn cảnh đã khổ sở lắm rồi".
Chị Tuyết vừa chăm con vừa bán hàng.
Cũng theo anh Huế, 2 tháng vừa rồi gia đình vẫn chưa có tiền để trả phòng trọ, chỉ khất đến khi nào có sẽ đưa đầy đủ. Trước mắt, với sự giúp đỡ của bà con trong khu tập thể, vợ chồng anh có nơi buôn bán hàng ngày. "Vợ chồng tôi phải dùng điện nên được bà con tạo điều kiện, dù có người không thích nhưng may mắn đến bây giờ chúng tôi vẫn được ngồi ở đây, vất nhưng mình khắc phục cô à", anh Huế cho hay.
Nghĩ về tương lai, anh chị tâm sự chẳng dám nghĩ đến điều gì xa xôi, chỉ mong mỗi ngày vẫn có cái chỗ mà mưu sinh buôn bán, và thêm chút đỉnh để lo cho các con được tốt hơn.