Biến thể Delta lan rộng, số ca mắc Covid-19 toàn cầu chạm ngưỡng ‘đáng báo động’
Theo thống kê của Reuters, hôm 4/8, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 200 triệu, nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao.
Một nhân viên mặc thiết bị bảo hộ ngồi nghỉ sau khi chôn cất bà Yoyoh Sa'diah, 64 tuổi, người đã qua đời do các biến chứng liên quan đến Covid-19 trong khi cách ly tại nhà riêng ở Bogor, tỉnh Tây Java, Indonesia, ngày 8/7/2021. Ảnh: Reuters
Sự gia tăng toàn cầu của số ca bệnh đang làm nổi bật khoảng cách ngày càng lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Số người nhiễm bệnh đang tăng lên nhanh chóng ở khoảng 1/3 quốc gia trên thế giới, nhiều nước trong số đó thậm chí còn chưa tiêm đủ mũi đầu tiên cho một nửa dân số của họ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4/8 đã kêu gọi chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 cho đến khi ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Hiện nay, các nước giàu nhận được rất nhiều vaccine, trong khi những nước nghèo thì ngược lại. Chúng ta cần có sự cân đối".
Biến thể Delta đang đặt ra những thách thức cho các nhà khoa học. Nhiều chuyên gia về dịch bệnh đang tiến hành phân tích để tìm xem liệu phiên bản mới nhất của coronavirus có khiến mọi người, đặc biệt là những người chưa được tiêm chủng, mắc bệnh nặng hơn trước đây hay không.
Một người đàn ông được người thân an ủi sau khi chôn cất cha mình, người đã chết vì các biến chứng liên quan đến Covid-19, tại một nghĩa địa ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 16 tháng 4 năm 2021. Ảnh: Reuters
Ít nhất 2,6% dân số thế giới đã bị nhiễm bệnh kể từ khi đại dịch bắt đầu, với con số thực sự có thể cao hơn do việc thử nghiệm ở nhiều nơi còn hạn chế. Theo phân tích của Reuters, nếu số người bị nhiễm Covid-19 là một quốc gia, thì quốc gia đó sẽ đông dân thứ tám trên thế giới.
Theo thống kê, phải mất hơn một năm để số lượng các trường hợp mắc Covid-19 đạt mốc 100 triệu, trong khi 100 triệu tiếp theo được báo cáo chỉ trong hơn sáu tháng. Đại dịch đã khiến gần 4,4 triệu người thiệt mạng.
Các quốc gia báo cáo số ca mắc nhiều nhất trung bình trong bảy ngày bao gồm Mỹ, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Iran - đại diện cho khoảng 38% tổng số trường hợp trên toàn cầu ghi nhận mỗi ngày.
Tại Mỹ, các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Florida và Louisiana đang chứng kiến số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện kỷ lục, mặc dù quốc gia này đã tiêm cho 70% người lớn ít nhất một mũi vaccine. Thậm chí, người đứng đầu tại một bệnh viện ở Louisiana đã cảnh báo về "những ngày đen tối nhất".
Số ca nhiễm tăng mạnh ở châu Á
Các quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang báo cáo số lượng ca mắc gia tăng. Chỉ với 8% dân số thế giới, khu vực này đang ghi nhận gần 15% tổng số ca bệnh toàn cầu mỗi ngày, theo phân tích của Reuters.
Indonesia, quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng theo cấp số nhân của các trường hợp nhiễm Covid-19 trong tháng Bảy, ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong vào ngày 4/8. Nước này chiếm 1/5 số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới mỗi ngày.
Mặc dù vậy, Quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 9, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết hôm 2/8, với lý do làn sóng dịch bệnh đã qua đỉnh điểm, số lượng ca bệnh mới được xác nhận hàng ngày có xu hướng giảm.
Người dân xếp hàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một cơ sở tiêm chủng ở Karachi, Pakistan, ngày 3/8/2021. Ảnh: Reuters
Sau đợt bùng phát tồi tệ nhất vào tháng 4-5 năm nay, Ấn Độ một lần nữa chứng kiến xu hướng gia tăng các ca bệnh. Hôm 30/7, quốc gia này đã ghi nhận 44.230 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, nhiều nhất trong ba tuần, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch bệnh tiếp theo sẽ tấn công đất nước.
Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi virus xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, sẽ tiến hành xét nghiệm 12 triệu cư dân của mình sau khi xác nhận các trường hợp nhiễm biến thể Delta đầu tiên trong nước. Thành phố này đã không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng nào kể từ giữa tháng 5 năm ngoái.
CDC cho biết biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, cũng dễ lây lan như bệnh thủy đậu và nhanh hơn so với cảm lạnh hoặc cúm thông thường.
Một vấn đề then chốt, TS. Gregory từ Ba Lan, một nhà khoa học vaccine tại Phòng thí nghiệm Mayo, cho rằng vaccine hiện tại có thể ngăn chặn bệnh tật lây lan, nhưng chúng chưa thực sự hiệu quả trong việc phòng ngừa virus tái tạo trong mũi.
Ông nói: "Các loại vaccine mà chúng ta hiện có sẽ không phải là tất cả. Chúng tôi đang nghiên cứu một loại vaccine đặc biệt hiệu quả trong việc hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh. "