Biến thể BA.2.75 có nguy cơ xâm nhập nước ta
BA.2.75 - biến thể phụ mới của Omicron, có biệt danh là “Centaurus - Nhân mã”. Đến nay, biến thể phụ này chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể.
BA.2.75 đã được phát hiện ở các nước châu Âu, bao gồm cả Anh và Đức.
Việt Nam chưa ghi nhận
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác.
Trong đó, thế giới đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76. Các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm số ca mắc tăng trở lại.
Ngày 15/8, Cục Y tế Dự phòng ban hành Công văn về việc tăng cường công tác quản lý báo cáo trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có nội dung: “Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện với các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1)”.
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu, rà soát lại, Cục Y tế Dự phòng đính chính, ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, Việt Nam mới ghi nhận biến thể phụ BA.2.74. Đây không phải biến thể phụ BA.2.75 như đã thông tin.
Tại Việt Nam, biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên trong báo cáo ngày 8/8 của Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1. Theo Cục Y tế Dự phòng, thời gian qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Số ca mắc đang có xu hướng tăng trở lại.
Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc Covid-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế.
Khả năng lây nhanh hơn
Chia sẻ về biến thể BA.2.75, TS.BS Lê Kiến Ngãi - Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: “Ngày 22/11/2021 tại một phòng xét nghiệm ở Botswana (Nam Phi), một “hậu duệ” nữa của virus SARS-CoV-2, khác với các biến thể trước đó, lần đầu tiên được phát hiện và đặt tên là Omicron.
Đến thời điểm hiện nay, biến thể này đã thống trị ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Trong những tháng gần đây, các biến thể phụ của Omicron liên tục xuất hiện, gây lo ngại cho cộng đồng thế giới”.
Theo chuyên gia này, một trong số đó được giới chuyên môn đặt tên là BA.2.75. Trên mạng xã hội, biến thể BA.2.75 được đặt biệt danh là Centaurus (Nhân mã). Theo TS Ngãi, việc đặt tên này khiến nhiều người nghĩ rằng, một biến thể mới giống như Alpha, Beta, Delta có thể đã xuất hiện và lo lắng.
“Một biến thể phụ mới nổi của Omicron - BA.2.75, có biệt danh là “Centaurus - Nhân mã” đang là lý do tạo ra các “làn sóng” lo lắng trên mạng xã hội toàn cầu. Mặc dù đến nay, theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế ngày 17/8, biến thể phụ này chưa xuất hiện tại nước ta, nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể”, ông Ngãi nhận định.
Theo TS Ngãi, các chuyên gia cho biết, biến thể phụ này lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 5 và được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể phụ Omicron khác. TS Lê Kiến Ngãi dẫn chứng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa chỉ định BA.2.75 là một biến thể đáng quan tâm theo đúng nghĩa của nó.
Ngày 7/7, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã chỉ định, BA.2.75 là một “biến thể đang được theo dõi”. Bởi, nó đã được phát hiện ở các nước châu Âu, bao gồm cả Anh và Đức.