Bị cáo Trịnh Văn Quyết đang điều trị bệnh lao nhưng 'đủ sức khỏe' tham gia phiên tòa dài ngày
Hồi tháng 5/2024, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC được khám tại Bệnh viện 19/8 vì mắc bệnh lao. Hiện tại, Trịnh Văn Quyết vẫn phải uống thuốc hằng ngày nhưng theo luật sư, bị cáo này đủ sức khỏe tham gia phiên tòa dài ngày.
Sáng nay (22/7), TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử 50 bị cáo trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại tập đoàn FLC.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến toà vào lúc 7 giờ sáng 22/7.
Trong vụ án, cựu Chủ tịch FLC, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị truy tố về cả 2 tội danh trên và cần chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hơn 30.000 bị hại hoặc hơn 63.000 người liên quan là những nhà đầu tư trái phiếu ROS (gồm cá nhân hoặc pháp nhân).
Trước phiên tòa, luật sư của bị cáo Quyết cho biết vị này vẫn phải đang điều trị bệnh lao bằng cách uống thuốc hằng ngày. Hồi tháng 5/2024, bị cáo Trịnh Văn Quyết được đưa từ trại tạm giam đến Bệnh viện 19/8 Bộ Công an để khám với các triệu chứng nặng nhưng đến nay, do được chăm sóc y tế tốt nên sức khỏe đã ổn định, đủ sức tham gia phiên tòa dài ngày, có thể lên tới một tháng.
Về quan điểm với cáo buộc phạm tội, luật sư cho hay bị cáo Trịnh Văn Quyết luôn "có ý thức tích cực và chủ động" bồi thường thiệt hại. Trong một bản tự khai hồi tháng 3/2024, vị cựu Chủ tịch FLC đã nhận mọi trách nhiệm trong vụ án cho các bị cáo khác, gồm cả trách nhiệm bồi thường.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng vận động gia đình, bạn bè giúp đỡ mình khắc phục hậu quả vụ án và đến nay, có hơn 212 tỷ đồng được nộp. "Khi phiên tòa diễn ra, có thể có thêm tiền khắc phục hậu quả của bị cáo Quyết", luật sư nói.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nhận trách nhiệm bồi thường cho các bị hại.
Trong vụ án, có 15 bị cáo khác là người thân của Trịnh Văn Quyết, gồm hai em gái của vị này là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.
Ngoài ra, có 4 người thuộc sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị cáo buộc "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 3 người thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị truy tố tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Để phục vụ xét xử, TAND TP.Hà Nội đã đăng file Excel lên trên cổng thông tin của mình, liệt kê danh sách người được triệu tập. Gần 100.000 bị hại, người liên quan được khuyến cáo truy cập và nhận thông báo đưa vụ án ra xét xử, thay vì nhận trực tiếp giấy triệu tập như các phiên tòa thông thường.
Tòa án Hà Nội dựng rạp, phục vụ gần 100.000 người được triệu tập đến phiên tòa FLC.
Theo cáo trạng, từ 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Em gái bị cáo Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Như với mã HAI, các bị can đẩy giá từ 3.700 đồng/cổ lên tới 22.500 đồng/cổ trước khi bán tháo, thu lợi bất chính 238 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Tổng cộng, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thu lời bất chính 723 tỷ đồng khi thổi giá 5 mã chứng khoán trên. Tuy nhiên, do hành vi thao túng cổ phiếu AMD, thu lợi bất chính 39 tỷ đồng xảy ra năm 2017, trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực nên cơ quan tố tụng không xử lý. Vì vậy, ông Quyết và đồng phạm bị cáo buộc thu lời bất chính hơn 684 tỷ đồng khi thao túng các mã HAI, GAB, FLC, ART.
Cáo buộc thứ 2 nhắm vào Trịnh Văn Quyết, viện kiểm sát cho rằng vị này còn nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FCL Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.
Cụ thể, Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 – 2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này từ lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần.
Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Hành vi gian dối trong việc nâng khống vốn điều lệ rồi niêm yết, bán cổ phần để thu tiền bị viện kiểm sát xác định là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".