Bí ẩn hàng nghìn con cá chết trên sông ở biên giới Đức-Ba Lan

29-08-2022 11:57:55

Các nhà chức trách Đức và Ba Lan đang điều tra một "thảm họa sinh thái" sau khi hàng nghìn con cá đột ngột chết ở sông Oder, thuộc biên giới hai nước.


Số lượng lớn cá chết ở bờ tây sông Oder vào ngày 12 tháng 8 năm 2022 tại Bienenwerder, Đức. Ảnh: Getty

Các công nhân đã dùng xô và máy đào để vớt những đống cá chết khổng lồ, sau đó đem đi thiêu hủy.

Nguyên nhân chính xác của thảm kịch vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà điều tra tin rằng nó có thể là kết quả của ô nhiễm môi trường.

Andrzej Kapusta, từ Viện Thủy sản Nội địa của Ba Lan, cho biết rất khó để xác định nguyên nhân chính xác. Ông nhận xét: "Sẽ rất khó để có câu trả lời rõ ràng. Quy mô của thảm họa sinh thái này là chưa từng có ở Ba Lan. Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều cá, trai hay ốc chết như vậy. Đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra, và đó là một cảnh báo nghiêm trọng".

Các nhà khoa học đã tìm thấy nồng độ muối cao bất thường trong nước, nguyên nhân dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của tảo vàng. Một giả thuyết cho rằng điều này có thể đã tạo ra độc tố giết chết cá, trầm trọng hơn nữa do mùa hè nóng nực và dòng sông thấp bất thường.

Tuy nhiên, nguyên nhân ô nhiễm từ đâu vẫn còn là một bí ẩn.

Theo Jan Köhler, từ Viện Sinh thái nước ngọt và Thủy sản nội địa Leibniz của Berlin, sông Oder không có đủ độ mặn cần thiết để tảo vàng phát triển.

Andreas Kuebler, người phát ngôn của Bộ Môi trường Đức, cho rằng nguyên nhân có thể do một số loại hóa chất. Ông nói: "Việc tìm kiếm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở Oder vẫn đang được tiến hành". 

Gần 200 tấn cá chết đã được vớt khỏi sông Oder kể từ tháng 7. Những con cá chết đầu tiên đầu tiên được phát hiện ở các tuyến đường thủy của Ba Lan.

Cảnh sát đã treo thưởng gần 200.000 USD cho ai tìm được nguyên nhân.

Hơn 200 nhân chứng đã được phỏng vấn và gần 300 đường ống thoát nước chưa đăng ký đã được tìm thấy và hiện đang được điều tra.

Có những lo ngại rằng thảm họa có thể tiếp tục kéo dài. Lukas Potkanski, từ Hiệp hội Ngư dân Ba Lan, nhận xét: "Chúng ta vẫn cần phải chờ điều tồi tệ nhất kết thúc. Nguồn nước độc có thể chảy xuống và hòa vào nước lành".

Phần lớn Tây Âu bị ảnh hưởng bởi một đợt nắng nóng vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, mà các nhà điều tra suy đoán có thể đã khiến tình hình sông Oder trở nên tồi tệ hơn do mực nước hạ thấp.

Lê Phương (Newsweek)
Theo Dân Việt //