Bệnh viện Nhi Trung ương nói gì về 2 cháu bé tử vong vì bệnh whitmore?

19-11-2019 06:41:13

Trong vòng 1 tháng, hai bệnh nhi là hai anh em ruột trong một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội đều tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì bệnh whitmore.

Chưa có bằng chứng 2 anh em ruột lây bệnh whitmore cho nhau


TS.Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội. 

Sự việc một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội có 3 con nhỏ đều lần lượt tử vong (2 cháu dướng tính với bệnh whitmore) đang khiến dư luận hết sức xôn xao. Trao đổi với Pv, TS. Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, hai cháu bé SN 2014 và SN 2018 là hai trường hợp đầu tiên ghi nhận bệnh whitmore ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Trước thông tin bệnh whitmore lây từ người sang người và hai cháu bé cùng trong một gia đình lây bệnh cho nhau, ông Cảm cho biết là whitmore là bệnh có từ rất lâu năm, số mắc bệnh rải rác và bệnh không gây thành dịch, cũng chưa có bằng chứng lây từ người sang người. Những trường hợp có nguy cơ cao là bệnh mãn tính, bệnh lý nền như tiểu đường, tim, mạch, thận… Đặc biệt, những người làm ở khu vực tiếp xúc đất, nước không có dụng cụ bảo hộ.

“Hai trường hợp ở Sóc Sơn, qua điều tra dịch tễ về mặt xung quanh khu vực cũng như khu vực lân cận không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh tương tự. Nên nếu nói do hai bé lây nhau chưa đủ bằng chứng, vì hiện nay theo y văn vi khuẩn Whitmore rất khó lây từ người sang người mà lây qua tiếp xúc trực tiếp như bị xây xước, tổn thương”, ông Cảm cho hay.

Về vấn đề làm sao để phòng bệnh whitmore, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo: "Không riêng ở Sóc Sơn mà tất cả các khu vực người dân lưu ý nên vệ sinh cá nhân, dùng các trang thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm. Tiếp đó, khi có biểu hiện bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Vì vậy, người dân cũng không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch, số mắc cũng rất ít”. 

Chia sẻ thêm về trường hợp tử vong vì bệnh whitmore, vị giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết:  “Bệnh không lây thành dịch, tuy nhiên việc hai bé trong cùng một gia đình tử vong, ở cùng một địa điểm thì đây là điều rất đáng quan tâm. Chúng tôi tiếp tục điều tra, khuyến cáo người dân những biện pháp phòng chống, chủ động theo dõi và tiếp tục có những khuyến cáo tiếp theo”.

Bệnh viện nói gì về 2 bệnh nhi tử vong dương tính với whitmore?


PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.​

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - nơi điều trị cho 2 cháu bé ở Sóc Sơn cho biết, trường hợp cháu bé thứ nhất (con thứ 2 trong gia đình-PV), bị nhiễm khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore), diễn biến bệnh nhanh và sau đó cháu tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Ngay sau sự việc bệnh viện đã thông báo với Sở Y tế Hà Nội để xem xét các vùng dịch tễ tại khu vực các cháu sinh sống.

Cách đây 5 ngày, cháu bé thứ 2 (con út trong gia đình) cũng nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng bệnh nhẹ, chủ yếu sốt. Các bác sĩ đã cho cấy máu và sử dụng kháng sinh ở mức độ nặng. 3 ngày đầu cháu có đáp ứng với kháng sinh và có xu hướng hạ sốt. Sau đó cháu sốt trở lại và bị sốc, có tình trạng xuất huyết kèm theo. Cấy máu thì phát hiện rõ vi khuẩn gây bệnh Whitmore. 

"Chúng tôi đã gọi trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ngay từ cháu đầu tiên, họ đã xuống cơ sở và xem xét môi trường của gia đình và nếp sinh hoạt để tư vấn cho gia đình loại trừ những nguồn vi khuẩn.  Với 1 hộ gia đình như vậy, chúng ta xem xét đặc tính những người trong gia đình đó.

Chúng tôi lo ngại các cháu có tình trạng suy giảm miễn dịch hay không. Với cháu gần đây nhất, chúng tôi đã kiểm tra các miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào, kể cả chức năng của bạch cầu thì đều trong giới hạn bình thường. Còn với xét nghiệm sâu hơn thì chưa có điều kiện thực hiện.", PGS Điển nói.

Về nguyên nhân gây bệnh whitmore cho 2 bệnh nhi, PGS Điển cho biết cần phải tìm hiểu xem thói quen sinh hoạt, cách thức cháu bị xây xước, việc vệ sinh vết xây xước như thế nào.

"Thực tế vi khuẩn này có xung quanh chúng ta, ở môi trường bùn đất, sẵn sàng tấn công chúng ta. Chỉ có điều cách phòng ngừa như thế nào cho phù hợp. Phải biết cách vệ sinh, ăn chín uống sôi, tắm nước thì nước đó phải tiệt trùng. Vùng không tiệt trùng thì phải xem nước có đảm bảo hay không. Theo trung tâm y tế dự phòng thì ở đó chưa có gia đình nào có.", Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.

Trước đó theo báo cáo của Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), gia đình anh T.V.C (32 tuổi) và chị N.N.Q (26 tuổi) trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn Hà Nội có 3 con lần lượt tử vong trong vòng 8 tháng.

Con đầu của anh chị là T.Q.T (sinh năm 2012), tử vong vào ngày 9/4/2019. Cháu nhập viện vào bệnh viện Xanh Pôn với biểu hiện sốt cao kèm đau bụng. Nguyên nhân tử vong là nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.

Con thứ 2 và thứ 3 của gia đình là cháu T.C.V (sinh năm 2014) và T.Q.H (sinh năm 2018) tử vong lần lượt vào 31/10/2019 và 16/11/2019. Hai bé đều nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy, dùng kháng sinh mạnh không đáp ứng, kết quả xét nghiệm máu của cả 2 đều dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (bệnh whitmore).

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...

Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //