Bé trai bị tắc đường thở, cả bác sỹ và người nhà đều ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân

03-04-2018 12:34:43

Thấy con ho nhiều, quấy khóc, khó thở, tím môi, giảm thông khí phổi trái người mẹ ở Nghệ An đã đưa đến bệnh viện thăm khám. Các bác sỹ lẫn người nhà rất bất ngờ khi tìm ra nguyên nhân.


Bé trai bị hóc giấy ăn, một vật dụng quen thuộc trong nhiều gia đình. Hình minh họa

Bệnh nhi là Nguyễn D.T. Đạt (21 tháng tuổi) thường trú tại phường Vinh Tân- TP.Vinh- Nghệ An. Bé vào khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng ho nhiều, khò khè, quấy khóc, khó thở, tím môi, giảm thông khí phổi trái.

Chẩn đoán sơ bộ lúc vào viện là theo dõi viêm phổi nặng. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng tiếp theo của trẻ diễn biến không đặc trưng theo hướng chẩn đoán ban đầu. Trẻ tiếp tục khó thở nhiều, ho tím tái.

Ê kíp trực tiến hành hội chẩn với chuyên khoa Tai mũi họng. Gây mê để đưa ra hướng chẩn đoán và xử trí. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sỹ nghi ngờ có dị vật gây bít tắc đường thở

Bệnh nhân được chuyển sang khoa Tai Mũi Họng, ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng quyết định tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm kết hợp với ống cứng, gắp dị vật cho trẻ.

Kết quả mẫu bệnh phẩm được gắp ra từ phế quản trẻ gồm nhiều mảnh giấy ăn. Kết quả này khiến Ê kíp mổ cũng như người nhà bệnh nhân hết sức bất ngờ, vì dị vật đường thở do nuốt giấy là một trong những trường hợp rất hiếm gặp trên lâm sàng.


Dị vật được gắp ra sau phẫu thuật là các mảnh giấy ăn. Nguồn: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

BS Trịnh Thanh Hưng – khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: "Đây là trường hợp hiếm gặp trên lâm sàng, rất khó chẩn đoán, việc khai thác tiền sử khó khăn, triệu chứng lâm sàng không đặc thù.

Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm, chúng tôi vẫn nghi ngờ có dị vật gây bít tắc đường thở và cho tiến hành soi phế quản ống mềm để kiểm tra.Trong quá trình soi, do dị vật mềm và mủn, nằm sâu bít tắc hoàn toàn lòng phế quản phổi trái, lại ở lâu trong đường thở nên việc gắp dị vật ra rất khó khăn, đòi hỏi sự chuẩn xác, cẩn thận".

Đặc biệt, ca phẫu thuật được tiến hành thuận lợi hơn nhờ tiến hành kĩ thuật nội soi bằng ống mềm, đây là kĩ  thuật mới và hiện đại. Hiện tại  kĩ thuật này trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An .

Ống nội soi mềm có thể gấp góc theo cần điều chỉnh tự động. Ưu điểm của lọai này là ít gây đau, nhẹ nhàng, nhanh chóng, hình ảnh nội soi cực kỳ rõ nét, nên có thể đưa vào các hốc nhỏ dễ hơn, quan sát rõ các ngóc ngách do tính chất gập góc, cho trẻ em hay cho những trường hợp họng phản xạ hoặc nắp thanh thiệt bị cụp quá.

Hiện sau phẫu thuật gắp dị vật, trẻ tỉnh, sức khỏe ổn định, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua trường hợp của bé trai nói trên trên, BS Trịnh Thanh Hưng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý vì trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một khi cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi...

Bởi vậy, phụ huynh nên thận trọng với những thức ăn, đồ chơi nhỏ lọt miệng... có thể làm cho trẻ mắc dị vật  để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.


Xem thêm Clip : MẸ CHO CON BÚ VÀO 3 THỜI ĐIỂM NÀY CHẲNG KHÁC NÀO ĐẦU ĐỘC CON - CÁC MẸ CHÚ Ý NHÉ

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //