Bé gái bị nhiễm trùng nặng sau khi đắp thuốc nam trị bỏng tại nhà
Nghe lời người quen, chị H. đưa con gái đến nhà thầy lang đắp thuốc nam vào vết bỏng để không bị sẹo. Ngày thứ 4 sau khi đắp thuốc, thấy con sốt cao chị H. mới đưa con đến bệnh viện.
Thông tin trên Báo VTV News cho biết, thời gian gần đây, Đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng sau khi đắp thuốc nam, lá cây trị bỏng tại nhà.
Trong đó có một bệnh nhi 18 tháng tuổi – con gái của chị T.H. (quê Nam Định). Theo chia sẻ của chị H., khoảng một tuần trước, khi đang pha sữa cho con, chị có việc phải ra ngoài nên để tạm cốc nước sôi ở trên bàn. Không may, con gái chị trong lúc chơi đùa đã làm đổ cốc nước sôi lên người, khiến cả vùng ngực bị bỏng.
Con bị bỏng, thay vì đưa con vào bệnh viện điều trị, nghe lời người quen nên chị H. đã đưa con đến nhà thầy lang đắp thuốc nam để con không bị sẹo. Ngày thứ 4 sau khi đắp thuốc, thấy con sốt cao, chị H. mới đưa con đến viện tỉnh, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương thì được các bác sĩ chẩn đoán con bỏng nước sôi độ II-III, nhiễm trùng.
Chị H. cũng cho biết, bản thân chị rất hối hận vì đã không đưa con vào viện điều trị sớm để con bị nhiễm trùng như thế này. “Đây là sai lầm của tôi và cũng là lời cảnh tỉnh cho các cha mẹ vẫn tin vào tác dụng “kỳ diệu” của việc đắp lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc này”, chị H. nói.
Trường hợp khác cũng đang điều trị tại đơn vị Bỏng (khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương) là bé trai Đ.M (13 tuổi, ở Phú Thọ). Bé M bị bỏng toàn bộ cẳng chân phải, nhiễm trùng sau đắp lá cây không rõ nguồn gốc do nghe lời khuyên của hàng xóm.
May mắn là cả 2 trường hợp trên sau khi được các y bác sĩ xử trí và chăm sóc, hiện tại tình trạng đều đã ổn định và dự kiến sẽ được ra viện trong 1 vài ngày tới.
Ảnh minh họa
Chia sẻ trên Báo Sức khỏe & Đời sống, BSCKII. ThS Phùng Công Sáng, phụ trách Đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề nhưng vẫn còn nhiều gia đình tự ý điều trị bỏng cho con bằng cách đắp lá cây, thuốc Nam (chưa được khoa học kiểm chứng).
Theo BSCKII. ThS Phùng Công Sáng, đắp vào vết thương bỏng các loại lá cây hay thuốc nam chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn. Thậm chí, có trường hợp dù không nhiễm trùng cũng thành nhiễm trùng sau khi đắp lá.
Những tổn thương đó có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ.
BSCKII. ThS Phùng Công Sáng khuyến cáo, cha mẹ và người trông trẻ nên học kỹ thuật sơ cứu để hạn chế tổn thương cho trẻ khi không may bị các tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ, nhà trường, cộng đồng cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân.
Khi trẻ bị bỏng gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương gây nguy hiểm cho trẻ.
Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, cha mẹ cần lưu ý những điểm sau: - Không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện… - Thức ăn, thức uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt…phải để nơi an toàn và tránh xa tầm tay của trẻ. - Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như như Lavie, trà C2… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. - Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài. - Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên. |