Bé gái 13 tuổi lao đầu vào đoàn tàu báo động nạn bạo lực học đường ung nhọt ở Nhật

04-05-2017 10:29:35

Bạn bè luôn gọi em là "sâu bọ" và chửi rủa nữ sinh khiến em quyết định lao đầu vào đoàn tàu đang chạy để kết thúc cuộc sống.

Rima Kasai, bé gái 13 tuổi, đã tự tử bằng cách nhảy vào đoàn tàu đang chạy ở ga Kita Tokiwa thuộc thành phố Aomori, Nhật Bản. Nữ sinh lớp 8 chết vào ngày thứ hai trong học kỳ mới.

Ông Go Kasai, cha của Rima, thông tin cô bé đã sống trong tình trạng bị bạn bè bắt nạt suốt hơn một năm. Những đứa trẻ luôn gọi em là "sâu bọ" và chửi rủa nữ sinh. Không chỉ ở trường, khi về nhà, Rima vẫn liên tục nhận các tin nhắn lăng mạ, sỉ vả.

"Con bé không có chỗ để trốn", người cha nói. Khi nữ sinh này thông báo với giáo viên, họ cũng không coi đây là vấn đề nghiêm túc. "Họ chỉ coi đó là chuyện trẻ em trêu đùa nhau", người cha thông tin.

Rima Kasai đã từng là cô bé sôi nổi cho đến khi liên tục bị bắt nạt. Ảnh: Reuters

Các nhà điều tra vẫn chưa biết lý do Rima trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều người quen của em cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc nữ sinh tham gia tích cực vào các hoạt động múa hát.

Tình trạng bắt nạt học đường xuất hiện từ lâu. Một số học sinh tìm đến cái chết sau thời gian bị quấy rối trực tiếp tại trường và thậm chí qua email và tin nhắn.

Ở Việt Nam, thường hay nghe tới cụm từ bạo lực học đường, một vấn đề nghiêm trọng liên quan tới mâu thuẫn phát sinh từ mối quan hệ của các học sinh. Thực chất bạo lực học đường chỉ là một trong những hình thái của một vấn đề rộng hơn, đó là bắt nạt trong học đường, rất phổ biến tại Nhật Bản. Xâm phạm, bạo hành thể xác lẫn tinh thần cướp đi sự tự tin, trong sáng và đôi khi là cả tính mạng của những nạn nhân.

Rima mới chỉ 13 tuổi khi em quyết định tự tử. Ảnh: Japan Times

Tình trạng học sinh bị bắt nạt trở thành đề tài được tranh luận tại Nhật Bản từ năm 1986, bùng lên sau vụ một nam học sinh trung học tự treo cổ trong nhà vệ sinh của một trung tâm thương mại sau nhiều tháng chịu dằn vặt của các bạn cùng trường.

Trong năm 2016, theo số liệu của chính phủ, đã có hơn 200 nghìn trường hợp bắt nạt học đường được ghi nhận, tăng tới gần 20% so với năm 2015, cao nhất kể từ khi Nhật Bản chính thức ghi nhận vấn đề năm 1986. Trong số này có 9 em đã tự tử.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đã luôn nỗ lực mở rộng khái niệm "bắt nạt" trong luật pháp để không có thêm bất cứ nạn nhân nào rơi vào lỗ hổng. Nhưng trường hợp của Rima Kasai lại một lần nữa nhắc nhở rằng Nhật Bản cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những nạn nhân dễ bị tổn thương.

Thái Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus //