Bé 3 tuổi bị tắc ruột do búi giun đũa sống khổng lồ

19-09-2017 08:47:07

Ở nhà. em bé bị chướng bụng, đau bụng từng cơn và nôn ra giun. Đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện trong bụng bé chứa đầy giun vẫn sống.

Các bác sĩ đang phẫu thuật lấy búi giun trong bụng bệnh nhi. Ảnh: BSCC

Em bé là Trần Thị T (3 tuổi) ở Nghi Lộc, Nghệ An. Bé T được đưa đến nhập viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng mệt, có biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm độc và mất nước, bụng chướng nhiều, nắn căng, không thấy hình ảnh quai ruột nổi. Kết quả chụp X quang cho thấy ổ bụng bé có dịch, nhiều hình ảnh mức nước hơi.

Theo người nhà bệnh nhi, ở nhà bé T bị đau bụng từng cơn, nôn và có lần nôn ra giun, đại tiện chỉ ra nước tanh, đã điều trị 4 ngày ở Bệnh viện huyện nhưng không có kết quả.

Các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do giun/ nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, vì vậy đã tiến hành bù dịch, dùng kháng sinh kết hợp và chỉ định phẫu thuật.

BS Đậu Anh Trung, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết: Phẫu thuật cho thấy, ổ bụng bệnh nhân có nhiều dịch đục, các quai ruột giãn to, đoạn hồi tràng dài 40cm chứa đầy giun gây tắc ruột, có đoạn đã bị rách thanh mạc.

Do chứa nhiều giun trong ruột nên khối ruột của em bé bị tắc. Ảnh: BSCC

Các bác sĩ đã mở hồi tràng lấy ra một số lượng lớn giun đũa đang sống (bỏ đầy bình dung tích khoảng 1,5 lít).

Hiện bệnh nhân đang được theo dõi hồi sức do tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc còn nặng nề.

Theo các bác sĩ, nhiễm giun đũa là một trong các bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột phổ biến ở Việt Nam. Bệnh liên quan mật thiết đến tình trạng vệ sinh môi trường và điều kiện ăn uống sinh hoạt.

Trẻ em nhiễm giun có thể bị chậm phát triển về chiều cao và cân nặng, và bao gồm cả việc suy dinh dưỡng. Khi số lượng giun nhiều, tạo thành búi có thể gây ra tình trạng tắc ruột.

Để phòng nhiễm giun, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, bao gồm vệ sinh cơ thể và vệ sinh ăn uống; chỉ ăn chín, uống sôi, đảm bảo rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Và đặc biệt, định kỳ nên tẩy giun cho trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện như đau bụng, bụng chướng, ít tăng cân..., cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.

Công thức pha nước nghệ chữa đau dạ dày. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //