Bé 20 tháng uống nhầm dầu hỏa, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không được gây nôn
Trong một phút thiếu để ý của người nhà, bé trai đã cầm chai dầu hỏa lên uống và ho sặc sụa. Ngay lập tức bé được đưa đi viện cấp cứu.
Hình chụp X quang của bé trai uống nhầm dầu hỏa cho thấy bé bị viêm phổi
Bệnh nhi là bé N.M.T (20 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện vào khoa Nhi của BVĐK Nông nghiệp rong tình trạng tỉnh, quấy khóc, hơi thở và quần áo trẻ có mùi dầu hoả nồng nặc.
Các bác sĩ thăm khám hô hấp thấy trẻ thở nhanh, nhịp thở 42 lần/phút; Spo2 96%; Không co kéo cơ hô hấp; Phổi nghe rì rào phế nang 2 bên rõ; Họng đỏ, xung huyết mạnh…
Người nhà bệnh nhi T cho biết, trước lúc vào viện khoảng 1 giờ, trẻ đang chơi gia đình phát hiện trẻ cầm chai dầu hỏa để dưới gầm giường uống 1 ngụm, sau uống trẻ ho sặc sụa. Gia đình đã ngay lập tức tiến hành móc họng, gây nôn ở nhà nhưng trẻ vẫn ho khò khè nhiều nên gia đình đã vào viện.
Sau khi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi sau uống dầu hỏa. Đến nay, sau 2 ngày điều trị nhuận tràng, tăng đào thải qua phân và dùng kháng sinh tình trạng bệnh nhi đã ổn định. Các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến tổn thương phổi của bệnh nhân.
Chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống, BS. Việt Hà - khoa Nhi - BVĐK Nông nghiệp, người trực tiếp điều trị cho bệnh Nhi T cho biết, ngộ độc dầu hỏa thuộc nhóm ngộ độc hydrocacbon là 1 bệnh ngô độc rất hay gặp ở trẻ em vào mùa nóng do trẻ tưởng nhầm là nước uống.
Bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn được tiếp tục theo dõi tại BV
"Các hidrocacbon đều rất ít được hấp thu qua đường tiêu hóa. Biến chứng nặng nhất chủ yếu là trẻ hít trực tiếp xăng dầu hoặc hít chất nôn ói gây viêm phổi nặng. Do đó, các sơ cứu ban đầu như móc họng gây nôn hoặc rửa dạ dày không được khuyến cáo vì nguy cơ gây biến chứng phổi nặng hơn cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất gia dụng, cha mẹ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện để được xử trí kịp thời”- BS. Việt Hà khuyến cáo.
Để phòng tránh các tai nạn tương tự, nhất là trong dịp hè, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phải bảo quản các chất này ở một nơi riêng biệt, dán nhãn ghi tên trên vỏ chai. Tránh cất giữ các loại hóa chất, nước tẩy rửa gia dụng trong các vỏ chai vốn đựng nước uống, nước ngọt khiến trẻ nhầm tưởng là nước uống được.
Với các gia đình làm nghề liên quan đến hóa chất, dung dịch tẩy rửa thì cần bảo quản các hóa chất này một cách an toàn tuyệt đối, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Xem thêm Clip: Các loại chất độc hại gây ung thư cho trẻ nhỏ ngay trong nhà - cha mẹ phải đặc biệt chú ý!