Bạn bè văn chương đến tiễn biệt nhà văn Lê Lựu tại quê nhà Hưng Yên
Lễ viếng nhà văn Lê Lựu đã bắt đầu từ 7h đến 21h ngày 10/11 tại quê nhà - huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhiều nhà văn, nhà thơ và những người yêu mến tác giả "Thời xa vắng" đã về tiễn biệt ông.
Trên trang cá nhân, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ hình ảnh cùng bạn bè tới viếng nhà văn Lê Lựu. Ông chia sẻ thông tin rằng, tang lễ của tác giả "Thời xa vắng" diễn ra trong tình quê ấm cúng, sau một đời nhà văn ông phiêu bạt khắp nhân gian. Hai người vợ đã gắn bó với cuộc đời nhà văn Lê Lựu cũng như các con cháu của ông đều tề tựu đông đủ trong tang lễ của cha.
Di ảnh nhà văn Lê Lựu. Ảnh: Ngô Thảo.
Nhà văn Ngô Thảo cùng gia đình nhà văn Lê Lựu trong tang lễ. Ảnh: Ngô Thảo.
Nhà văn Ngô Thảo là người đồng nghiệp thân thiết, gần gũi của nhà văn Lê Lựu. Ông thường tới thăm hỏi, động viên nhà văn Lê Lựu những ngày cuối đời, khi ông sống trong bệnh tật. Trò chuyện với PV Dân Việt, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ: "Trong Lê Lựu vừa có một người nông dân, dân dã, gần gũi và có phần... luộm thuộm, vừa có một người lính, đi đâu cũng được yêu mến bởi sự chân thành, vui vẻ, vừa có một nhà văn với văn chương đặc sắc và tài hoa".
Nhiều đơn vị, tổ chức gửi vòng hoa tới viếng nhà văn Lê Lựu. Ảnh: Ngô Thảo.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng tới viếng nhà văn Lê Lựu vào ngày 10/11. Ông bày tỏ niềm tiếc thương với sự ra đi của một tài năng lớn trên văn đàn.
Theo thông tin từ gia đình, Lễ truy điệu sẽ được tổ chức lúc 7h20 sáng 11/11. Nhà văn Lê Lựu được an táng tại nghĩa trang thôn Mạn Trù Châu, tỉnh Hưng Yên.
Nhà văn Lê Lựu quê quán tại Khoái Châu, Hưng Yên. Ông là người sáng tác những tác phẩm kinh điển trong văn học Việt Nam như: "Mở rừng", "Đại tá không biết đùa", "Sóng ở đáy sông", "Chuyện làng Cuội", "Một thời lầm lạc", "Thời xa vắng"... Trong đó, hai tác phẩm được chuyển thành phim và đuợc công chúng biết đến rộng rãi là "Sóng ở đáy sông" và "Thời xa vắng".
Nhà văn Ngô Thảo trò chuyện với người thân của nhà văn Lê Lựu. Ảnh: Ngô Thảo.
Xuất thân từ người nông dân, cả đời nhà văn Lê Lựu dành sự trăn trở cho đề tài nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Cũng bởi vậy, những nhân vật của ông ghi dấu trong tâm khảm của nhiều thế hệ độc giả. Ông từng đoạt giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn của báo Văn nghệ với truyện ngắn "Người cầm súng" năm 1968; Giải A Hội nhà văn Việt Nam năm 1990 cho tiểu thuyết "Thời xa vắng".