Bác sỹ cảnh báo cha mẹ không tự chữa viêm tai giữa cho trẻ tại nhà
Bệnh viêm tai giữa nếu không chữa trị kịp thời có khả năng làm giảm thính lực ở trẻ hoặc gây các bệnh nguy hiểm khi mủ tấn công lên não.
Viêm tai giữa là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào gây nên. Có hai dạng chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết.
Biểu hiện bệnh viêm tai giữa ở giai đoạn đầu thường nhẹ, khiến cho nhiều cha mẹ chủ quan. Để phòng tránh bệnh gây biến chứng, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi có biểu hiện bất thường về tai hay chảy nước mũi lâu ngày không dứt, không nên tự điều trị tại nhà.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm tai giữa
Hình ảnh cấu tạo tai người
Trao đổi với PV Đời sống Plus, Ths.BS Nguyễn Tuấn Anh (Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ) cho biết, viêm tai giữa hay gặp ở trẻ em hơn là người lớn. Khi bệnh xảy ra, khu vực tai giữa bị viêm, sưng, đau và xuất hiện các triệu chứng liên quan. Trong khi đó, tai giữa là bộ phận khuất sâu bên trong của tai, nằm ở sau màng nhĩ - nếu nhìn từ vành tai vào trong ống tai. Do đó, bị viêm tai giữa không thể nào nhìn được trực tiếp, trừ khi bệnh đã quá điển hình.
Có thể nhận ra viêm tai giữa với các dấu hiệu: trẻ bị sốt viêm họng, viêm a mi đan, viêm mũi trước đó vài ngày cho đến một tuần sau đó bệnh nặng thêm hoặc đã khỏi nhưng có dấu hiệu tái phát. Trẻ bị sốt cao trở lại, trẻ lớn thì mệt mỏi, chán ăn, trẻ nhỏ thì hay quấy khóc, bỏ bú, ngủ không yên. Tuy nhiên những dấu hiệu này rất chung, giống với biểu hiện nhiều bệnh khác.
"Cha mẹ nên chú ý các biểu hiện trẻ sẽ có dấu hiệu đau ở tai. Trẻ lớn thì kêu đau tai, đầu hay nghiêng về bên đau. Trẻ nhỏ, không biết kêu đau tai thì bé hay lấy tay quờ lên tai, gãi tai, dụi đầu về bên tai đau. Thậm chí có trẻ còn khóc thét lên hay bứt rứt kéo tai, dứt tai ra. Đây là những biểu hiện khá rõ, các bậc phụ huynh chăm nom trẻ nên hết sức lưu ý" - Ths.BS Nguyễn Tuấn Anh nói.
Do vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện trên cần cho trẻ đi khám chuyên khoa tai-mũi-họng ngay. Khi bác sỹ soi tai trẻ sẽ thấy màng nhĩ xung huyết, bóng lên, phồng lên do có chứa mủ trong tai giữa, sau giai đoạn này sẽ đến giai đoạn dịch mủ chảy ra hoặc có dịch viêm chảy ra
Khi bác sỹ soi họng thấy họng đỏ, viêm, a mi đan sưng to, cửa mũi sau viêm sưng. Đến giai đoạn này, nếu không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, bệnh sẽ chuyển thành viêm mạn tính và lây lan sang vùng khác lân cận như viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm não, viêm phổi phế quản.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa
Hình ảnh minh họa
Theo BS Nguyễn Tuấn Anh, có hai nguyên nhân viêm tai giữa là vi rút và vi khuẩn. Các mầm bệnh này xâm nhập theo con đường duy nhất: qua vòi nhĩ, nằm ở thành sau họng. Do đó, bệnh viêm tai giữa thường đi kèm hoặc đi sau 3 bệnh phổ biến: viêm họng cấp, viêm mũi cấp và viêm a mi đan cấp ở trẻ em.
BS Tuấn Anh cũng cho biết thêm, ở trẻ em hệ thống bạch huyết vùng hầu họng còn yếu, hay bị viêm; thứ hai, vòi nhĩ thông giữa họng và tai giữa tương đối nằm ngang ở trẻ nhỏ nên vi khuẩn hoặc vi rút rất dễ xâm nhập. Điều đó lý giải nguyên nhân vì sao trẻ em hay bị viêm tai giữa
Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- Nguyên Trưởng khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai, vi khuẩn và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng. Vì thế, điều trị viêm mũi họng triệt để sẽ tránh được viêm tai giữa. Qua thực tế điều trị, trẻ bị viêm tai thường bị viêm VA, trẻ bú bình. Bên cạnh đó, cũng có một con đường thẳng, vi trùng nhập thẳng vào tai, những trường hợp này ít hơn.
Đừng chủ quan tự chữa trị cho trẻ tại nhà
BS Tuấn Anh cũng chia sẻ, đa phần viêm họng cấp ở trẻ nhỏ thường chưa được người lớn quan tâm đúng mức, chủ quan coi đó là bệnh nhẹ, nên thường tự chữa ở nhà hoặc tự mua thuốc điều trị.
Tuy nhiên BS Tuấn Anh cảnh báo đây là bệnh không thể chủ quan. Cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai-mũi-họng ngay. Có trường hợp trẻ bị khi viêm tai giữa sắp vỡ mủ nhưng cha mẹ lại mua thuốc để điều trị viêm mũi, vì trong giai đoạn đầu triệu chứng của hai bệnh này rất giống nhau. Vì thế điều trị không những không hiệu quả mà bệnh viêm tai giữa còn có thể biến chứng nặng hơn.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, những trường hợp trẻ bi biến chứng viêm tai giữa do bệnh đường hô hấp kéo dài không khỏi như không phải hiếm gặp. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ, phổ biến sau các bệnh viêm đường hô hấp.
Dù là bệnh hay gặp nhưng cũng có trường hợp khó chẩn đoán. Biểu hiện có sự khác nhau theo từng lứa tuổi. Ở trẻ sơ sinh, các dấu hiệu thường không rõ ràng, có khi chỉ là kích thích, quấy khóc, bỏ bú. Trẻ lớn hơn thì có thể bị sốt, kèm (hoặc không kèm) viêm hô hấp trên, đau tai, màng nhĩ viêm đỏ…
Cha mẹ đừng chủ quan tự chữa trị viêm tai giữa cho trẻ tại nhà
Theo BS Dũng có hai yếu tố để chẩn đoán chắc chắn bệnh gồm: viêm và có tiết dịch ở tai giữa. Dấu hiệu quan trọng nhất qua soi tai là có thể thấy màng nhĩ phồng lên, thấy ứ dịch trong đó, thậm chí có mủ ở dưới đục, vàng. Một số trường hợp còn thấy chảy nước, mủ ra tai ngoài. Dù vậy không phải lúc nào soi cũng thấy hình ảnh như vậy.
Bên cạnh đó, trẻ có thể có các dấu hiện gián tiếp khác như đau tai. Trẻ cũng có thể bị kèm với triệu chứng chảy nước mũi, ho, sốt.
BS Dũng cho biết thêm, không phải trường hợp nào trẻ bị viêm tai giữa cũng được chỉ định dùng kháng sinh. Kháng sinh được chỉ định dùng trong một số trường hợp sau: trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ 6 tháng đến 2 tuổi nếu chẩn đoán chắc chắn hoặc chẩn đoán không chắc chắn nhưng bệnh nặng; Trẻ trên 2 tuổi có chẩn đoán chắc chắn và bệnh nặng. Các trường hợp khác thì điều trị triệu chứng và theo dõi sau 2 ngày nếu bệnh không đỡ mới dùng kháng sinh.
BS Dũng cũng khuyến cáo nếu không theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh viêm tai giữa có thể sẽ dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ, thậm chí suy giảm chức năng nghe, gây cản trở không nhỏ đến quá trình hình thành ngôn ngữ của trẻ.
Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ lưu ý cha mẹ cần chữa dứt điểm các bệnh đường hô hấp, tránh để vi trùng, vi khuẩn lây lan lên tai. Bên cạnh đó cần cải thiện môi trường sống của trẻ, đi bơi thì cần chọn những nơi nước tương đối sạch, nên trang bị mũ và nút tai dành cho trẻ. Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau thì nên đi khám ngay.