Bác sĩ chỉ rõ sai lầm nhiều người mắc khi sơ cứu tai nạn giao thông
Khi gặp tai nạn trên đường, đa số mọi người đều lo lắng, hoảng hốt. Dưới đây là những lưu ý xử trí đúng khi gặp người bị tai nạn giao thông.
Nhiều người do quá sốt sắng nên đã mắc những sai lầm khi sơ cứu người bị tai nạn giao thông. Ảnh: Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Vừa qua trong Hội nghị khoa học thường kỳ chuyên đề “Xu thế điều trị ngoại khoa thoái hóa khớp gối” tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, PGS.TS Hà Hữu Tùng – Giám đốc bệnh viện cho biết, do đặc thù bệnh viện nằm cạnh đường quốc lộ nên một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-30 ca cấp cứu chủ yếu là tai nạn giao thông.
Bệnh viện đã giúp cấp cứu nhiều ca chấn thương nặng thành công, đem lại cơ hội sống cho người bệnh.
Tại khoa Ngoại chấn thương - Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nơi tiếp nhận và xử lý đa số các ca tai nạn, chấn thương nặng, BS Nguyễn Tiến Văn - Trưởng khoa cho biết: "Khi gặp các ca tai nạn giao thông việc sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng. Sơ cứu đúng cách, kịp thời sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh. Tuy nhiên nhiều trường hợp nạn nhân được người dân sơ cứu không đúng khiến tình trạng tổn thương nặng nề hơn."
Theo BS Văn, sai lầm thường gặp nhất khi cứu người bị nạn là tập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện, trong khi đó, với một số trường hợp như gãy chi lại không được nẹp giữ hay gãy cột sống không được cố định dễ khiến nạn nhân tổn nặng nề hơn, dẫn đến bị liệt toàn thân, thậm chí dẫn tới tử vong.
Hoặc có những trường hợp khiêng nạn nhân lên cáng, lên ô tô không đúng phương pháp gây nguy hiểm tính mạng.
Vậy đâu là cách sơ cứu đúng ?
Cảnh sát giao thông hỗ trợ một người gặp tai nạn trên đường. Ảnh: Uỷ ban ATGT Quốc gia.
- Đối với người bị tai nạn giao thông vẫn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được, không nên chở ngay người bệnh đến viện, hãy để bệnh nhân nằm nghỉ để theo dõi nhịp thở.
- Với tai nạn gãy xương dấu hiệu điển hình là đau ở vùng gãy, đau hơn khi sờ ấn hoặc cử động, giảm hoặc không thể cử động chỗ bị thương, kèm theo sưng nề, chảy máu. Trong một số trường gãy xương hở đầu, xương có thể đâm thủng da, chân tay gãy rời, lủng lẳng.
- Việc đầu tiên cần làm là cố định tạm thời bộ phận bị gãy. Có thể dùng các loại nẹp tự tạo từ gỗ, tre để cố định vùng xương gãy. Nếu gãy xương ở gần các khớp, phải cố định cả khớp.
Riêng gãy xương hở, không được rửa mà chỉ lau xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn. Tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Đặc biệt chú ý với những người bị tai nạn dẫn đến gãy đốt sống cổ. Không nên tự ý di chuyển nạn nhân. Nếu tự ý di chuyển nạn nhân không đúng cách dễ dẫn đến nguy cơ bị liệt toàn thân hoặc tử vong.
- Với vết thương chảy máu khi gặp tai nạn. Nếu để mất quá nhiều máu nạn nhân dễ choáng, bất tỉnh, tử vong.
Trường hợp này cần làm garo cầm máu bằng cách quấn thật chặt ở vị trí trên vết thương 3-5 cm. Có thể dùng vải sạch làm garo nếu không có sẵn dụng cụ y tế. Trong trường hợp vết thương có dị vật, không nên rút dị vật ra vì có thể làm cho máu chảy ra nhiều hơn dẫn đến mất máu.
Đối với vết thương chảy máu không có dị vật, dùng gạc hoặc vải sạch ép trực tiếp lên vết thương và giữ chặt để cầm máu rồi băng lại. Mọi thao tác phải đòi hỏi nhanh, chính xác và đảm bảo sạch sẽ, tránh vết thương nhiễm trùng. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
- Với bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm nhưng phải thận trọng trong nhấc bệnh nhân lên cáng, tuyệt đối không bế xốc bổng, bế gập người lại, mà cần 2 - 3 người, người giữ phần đầu vai, người vùng chân, người giữ vùng lưng để di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng nhất.
- Với nạn nhân bị đứt rời một phần cơ thể cần bảo quản phần thi thể bị đứt rời bằng cách bọc chặt chi thể đứt rời vào nhiều lớp vải rồi bỏ vào thùng đá chuyển thẳng đến BV cùng nạn nhân sớm nhất để được cấp cứu kịp thời.
- Theo các bác sĩ trong mọi trường hợp khi sơ cứu, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, đờm dãi... phải móc ngay ra. Nếu người bệnh không thở được thì phải hô hấp nhân tạo ngay.
Xem thêm Clip: Toàn Cảnh hiện trường vụ tai nạn giữa xe rước dâu và xe container làm 14 người chết