Áp thấp nhiệt đới kép diễn biến khó lường, Bộ NNPTNT họp khẩn

03-09-2019 14:18:59

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định sự xuất hiện của 2 áp thấp nhiệt đới cùng lúc, kèm theo các tác động cơn bão Lingling ở ngoài khơi vùng biển Philippines, khiến tình hình thời tiết khu vực biển và đất liền ở Trung Bộ trở nên tiêu cực, khó lường.

Sáng 3/9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới Kajiki vừa đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế và cơn áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực giữa Biển Đông. 

"Việc liên tục xuất hiện những dạng hình khí tượng rất bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của tuyến biển, đồng thời tác động cực đoan đến thời tiết đất liền", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định. 

Về cơn áp thấp nhiệt đới có tên quốc tế Kajiki vừa đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, Bộ trưởng cho rằng diễn biến của hình thái này có sự dị thường khi di chuyển vào đất liền nhưng không tan ngay mà tiếp tục mạnh lên và phát triển ra phía ngoài.

"Thông thường, áp thấp nhiệt đới sẽ tan ngay khi vào trong đất liền nhưng hướng di chuyển của cơn này rất dị thường. Sau khi đi vào các tỉnh, áp thấp nhiệt đới này sẽ quay trở lại khu vực đông bắc, phát triển ra phía ngoài khu vực biển và mạnh lên thành bão", Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.

Theo đó, cơn Kajiki có thể chịu thêm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực giữa Biển Đông khiến hướng di chuyển và cường độ thay đổi. Hoàn lưu của cơn áp thấp nhiệt đới này không chỉ chạy theo một trục là hướng tây mà chạy quanh quẩn theo vòng tròn, đây cũng là hiện tượng cần đặc biệt lưu ý. 

Cùng với đó, cơn bão Lingling phía bên ngoài vùng biển ngoài khơi Philippines cũng đang có hướng phát triển lên phía bắc. Khi cả 3 hình thái tương tác với nhau có thể gây ra các dạng hình mới thay đổi cả về cường độ, tác động và hướng di chuyển.


Áp thấp chồng lên áp thấp ở khu vực biển Đông. Ảnh: NCHMF

Theo dự báo, vùng nguy hiểm trên biển của nước ta bắt đầu từ vĩ độ 13, đây là khu vực có nhiều tàu thuyền hoạt động. Tác động của các trạng thái gió cũng trở nên khó lường, các cơn có thể liên tục phát triển về kích thước và không đồng nhất về hướng đi.

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam lúc 4h ngày 3/9 với sức gió mạnh cấp 6 (40-50 km/h). Sau khoảng 6 tiếng, nó quay trở ra và di chuyển theo hướng đông bắc. Trong 48 giờ tới áp thấp nhiệt đới sẽ tích tụ năng lượng và có thể mạnh lên thành bão.

Hướng di chuyển này đã được dự báo trước đó bởi cơ quan khí tượng Nhật Bản và Hong Kong, áp thấp nhiệt đới sau khi vào đất liền thì quay ra Biển Đông, mạnh lên thành bão và hướng đến Hong Kong. Đài Hải quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương lại cho rằng áp thấp nhiệt đới sẽ đi sâu vào đất liền rồi sang Lào.

Ngoài cơn áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào đất liền tên Kajiki sớm 3/9, một áp thấp nhiệt đới khác hiện cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100km về phía Bắc với sức gió mạnh nhất 50km/giờ (cấp 6). Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này di chuyển theo hướng bắc tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và giữ nguyên sức gió.

Các cơ quan khí tượng dự báo có khả năng áp thấp này sẽ nhập vào áp thấp đã đổ bộ vào đất liền khi cơn áp thấp này quay trở ra biển. Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ngày 3/9 nhiều khu vực ở miền Trung mưa lớn với lượng phổ biến 40-90 mm trong 24 giờ, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa có thể lên đến 100-250mm trong 24 giờ, có nơi trên 300 mm.

Trong ba ngày tới, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa với lượng phổ biến 300-500mm, các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700 mm/đợt; khu vực Tây Nguyên 200-300mm/đợt.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //