Anh hợp tác với Việt Nam thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19
Đại sứ quán Anh tại Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh thế giới đang ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng ta cần hợp tác để khẩn trương tìm giải pháp toàn cầu.
Một nhà dưỡng lão tại Anh. Ảnh: Guardian
Báo Tiền phong dẫn lời GS Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford, chloroquine đã được sử dụng trong điều trị sốt rét từ năm 1934. Nếu thử nghiệm này chứng minh chloroquine là một phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả, phương pháp này có thể được triển khai để điều trị cho hàng triệu người trên khắp thế giới ở mọi mức thu nhập với chi phí hợp lý, một cách công bằng, hiệu quả và an toàn.
"Điều này có khả năng làm chậm đại dịch toàn cầu này và giảm thời gian chữa trị ở bệnh viện", GS Guy nói.
Ngài Gareth Ward, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh thế giới đang ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng ta cần hợp tác để khẩn trương tìm giải pháp toàn cầu.
TS Nguyễn Ngô Quang, Cục Phó Cục Khoa học Công nghệ-Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã phối hợp với các tổ chức y tế, đặc biệt là Đại sứ quán Anh, để triển khai một hoạt động liên quan đến nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng chloroquine trong điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Theo ông Quang, đây là cách tiếp cận, hướng đi phù hợp với mục đích tìm ra phương pháp mới, thuốc mới trong điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, nhằm xây dựng phác đồ điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phê duyệt đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới”.
Lopinavir/ritonavir được biết đến là một loại công thức phối hợp liều cố định để điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS. Trong vòng 12 tháng, nghiên cứu sẽ làm rõ đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm Covid-19 dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2.
Theo con số được nhà chức trách Anh công bố trong ngày 28/4, trong thời gian từ ngày 10-24/4, đã có 4.343 người Anh thiệt mạng vì dịch Covid-19 tại các nhà dưỡng lão.
Như vậy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nước Anh đã có 5.386 ca tử vong tại các nhà dưỡng lão. Cộng thêm 21.678 ca tử vong trong hệ thống bệnh viện, trên thực tế nước Anh hiện đã có trên 27.000 người thiệt mạng vì Covid-19, cao hơn cả Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Trước sức ép từ việc phải công khai các số liệu, Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock cho biết từ ngày hôm nay, 29/4, Cơ quan y tế quốc gia Anh sẽ thống kê số ca tử vong vì Covid-19 tại các nhà dưỡng lão cũng như trong cộng đồng và thông báo hàng ngày, cùng với số liệu từ các bệnh viện.
Trong ngày 28/4, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại các bệnh viện Anh đã tăng cao trở lại, với 586 ca. Ngày càng nhiều phân tích từ giới khoa học cho thấy, Anh đang trên đường trở thành quốc gia bị dịch Covid-19 tàn phá nghiêm trọng nhất tại châu Âu.
Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock cũng thừa nhận, các diễn biến dịch phức tạp hiện nay khiến chính phủ Anh rất khó khăn khi đưa ra quyết định về việc có nới lỏng các lệnh phong toả hay không.
“Nước Anh vẫn chưa có số ca tử vong và số ca nhiễm bệnh đủ thấp để có thể yên tâm, để có thể mở lại trường học. Chúng tôi cũng chưa biết số ca nhiễm mới sẽ giảm nhanh đến mức nào nên hiện tại chúng tôi chưa đủ khả năng để đưa ra quyết định”.