Ấn tín đào được ở Nghệ An: Chỉ là hàng lưu niệm Trung Quốc?
Nhiều người am hiểu về đồ cổ tỏ ra nghi ngờ về vật lạ nghi ấn tín của vua được đào thấy ở Nghệ An thực chất chỉ là đồ lưu niệm Trung Quốc, có giá vài trăm ngàn.
Ngày 26/11, vợ chồng ông Trương Văn Sửu (SN 1961, trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) trong lúc làm vườn có đào được một vật lạ nghi ấn tín của vua chúa thời phong kiến.
Hiện vật làm bằng kim loại, màu đen, vàng, có trọng lượng khoảng 1,6kg. Mặt trước có dòng chữ tiếng Hán, tạm dịch là “Cửu Long Kim Tỷ””, mặt dưới có chữ “Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo”.
Vật lạ nghi ấn tín của vua được đào thấy ở Nghệ An. Ảnh Vnexpress
Sự việc đã gây xôn xao dư luận, hàng trăm người dân tò mò kéo đến để chiêm ngưỡng, thậm chí xin được chạm tay vào vật lạ để lấy may.
Nhận được thông tin, cán bộ phòng Văn hóa huyện Nghi Lộc cùng chính quyền địa phương đã có mặt để xác nhận và vận động gia đình ông Sửu giao nộp để bảo quản theo quy định pháp luật.
Ông Sửu và vật lạ nghi ấn tín mà mình đào thấy. Ảnh Vnexpress
Tuy nhiên, một số người am hiểu về cổ vật lại tỏ ra nghi ngờ, cho rằng ấn tín này nhiều khả năng là đồ giả.
Thông tin trên Vietnamnet, nhà nghiên cứu Đào Tam Trinh, Phó chủ tịch chi hội Di sản và cổ vật Sông Lam (Hội di sản Việt Nam) cho biết, theo kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ nhiều năm của ông thì “ấn tín” mà người dân đào được ở Nghệ An chỉ là hàng lưu niệm.
Tại các điểm du lịch của Trung Quốc bán rất nhiều loại ấn tín này, với đầy đủ loại ấn tín của vua chúa, thái tử của các triều đại Mãn Thanh, Hán, Đường… với giá dao động từ 500 – 700.000 đồng.
Ấn tín của vua được rao bán nhiều trên mạng. Ảnh Nông nghiệp Việt Nam
Một nhà khoa học khác cũng cho biết, dựa vào 2 dòng chữ Hán “Cửu Long Kim Tỷ” và “Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo” thì có thể đây là loại ấn tín của vua nhà Mãn Thanh ban cho thái tử.
Tuy nhiên, qua tài liệu lịch sử, đời nhà Mãn Thanh có 24 ấn tín, và tất cả số ấn tín này đang được lưu giữ cẩn thận ở Trung Quốc, hiện chưa có bất cứ thông báo nào về việc thất lạc.
Theo khảo sát 1 số trang bán đồ cổ trên mạng, loại ấn tín có hình dạng giống ấn tín được ông Sửu đào thấy có giá bán từ 600.000 đồng – 800.000 đồng/ chiếc.
Đại diện Thư viện Nghệ An cũng xác nhận trên Vietnamnet, qua kiểm tra trực tiếp hiện vật được cho là ấn tín của vua chúa thì đây chỉ là hàng nhái, không có giá trị lịch sử. Nhưng người dân lại phản ứng gay gắt với kết luận này.
Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiếm - GĐ Bảo tàng Nghệ An cho biết cơ quan này đã niêm phong hiện vật, sau đó sẽ tham mưu với UBND tỉnh Nghệ An để ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định để kiểm tra về giá trị của hiện vật đó.
Hiện vật lạ nghi ấn tín của vua do ông Sửu đào đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An để chờ giám định cụ thể trong thời gian tới.